Thứ 4, Ngày 04/12/2024 -

Cần có chính sách đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, vùng cao
Ngày đăng: 02/06/2024  10:00
Mặc định Cỡ chữ
Chiều ngày 31/5/2024, các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp tục tham gia thảo luận tại Tổ 04 đối với Dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022;....

Quang cảnh buổi thảo luận

 

Phát biểu tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Kon Tum có ý kiến, mục tiêu xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng đã được Bộ Chính trị xác định rõ tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019, đó là: Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên. Đối với Tây nguyên, chúng tôi cũng nhận thức rằng việc Đà Nẵng phát triển cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi và giúp thúc đẩy vùng Tây Nguyên phát triển. Do đó, đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất rất cao chủ trương xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội Về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận

 

Về căn cứ để xây dựng, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã thông tin rõ tại Báo cáo số 2095/BC-UBTCNS ngày 28/5/2024. Đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất nội dung báo cáo thẩm tra này của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

 

Về các chính sách dự kiến quy định tại Nghị quyết gồm có 02 nhóm chính sách: (1) Chính sách về tổ chức chính quyền đô thị; (2) Thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Trong đó, có một số chính sách đã và đang được thực hiện ở các số tỉnh, thành phố khác đã phát huy hiệu quả, nay được xem xét, áp dụng để thực hiện đối với thành phố Đà Nẵng, theo đại biểu Phạm Đình Thanh như thế là phù hợp. Tuy nhiên, để giúp thành phố Đà Nẵng phát triển toàn diện, đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị thì ngoài việc tạo thuận lợi qua các cơ chế về tổ chức bộ máy; về quản lý, quy hoạch; về quản lý đầu tư; thu hút đầu tư...vv rất cần có cơ chế tốt về nguồn lực tài chính để phục vụ phát triển toàn diện thành phố Đà Nẵng.

 

Trên cơ sở nghiên cứu các chính sách đang áp dụng đối với thành phố Hồ Chí Minh và dự kiến quy định chính sách áp dụng đối với thành phố Hà Nội tại Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Cụ thể: theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh thì thành phố Hồ Chí Minh được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng dự kiến phép thành phố Hà Nội được vay với tỷ lệ này (không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp). Ngoài ra, riêng đối với thành phố Hà Nội trong trường hợp cần huy động vốn vay lớn hơn 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp để thực hiện dự án trọng điểm của Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định;... Đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị tại Nghị quyết này nên quy định cho phép thành phố Đà Nẵng: Được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố Đà Nẵng vay lại - với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% hoặc 100% số thu ngân sách thành phố Đà Nẵng được hưởng theo phân cấp, thay cho 60% như dự kiến quy định tại Dự thảo Nghị quyết.

 

Đại biểu Phạm Đình Thanh cũng phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ nội dung kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ đó là: Ngoài việc ban hành chính sách đặc thù đối với các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh và toàn diện, có đóng góp ngày càng nhiều cho cả nước. Thì cũng cần quan tâm có chính sách đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; khó khăn về nguồn thu, như việc: giảm, hoặc miễn tỷ lệ vốn đối ứng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (quy định về vốn đối ứng thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay đang gây nên áp lực lớn đối với các tỉnh nghèo, khó khăn về nguồn thu); cấp Trung ương hỗ trợ thêm kinh phí bảo trì đường bộ hằng năm cho địa phương, đối với tỉnh Kon Tum kinh phí phân bổ hàng năm theo quy định của Luật ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu thực tế... dẫn đến công trình giao thông xuống cấp qua hàng năm, đi lại, vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn... và làm tăng nguy cơ mất an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh./.

 

                                                              Hồ Nam, VPĐĐBQH TH

  • Diện tích tỉnh Kon Tum

    9.690,5 km2
  • Dân số tỉnh Kon Tum (2023)

    591.266 người
  • GRDP tỉnh Kon Tum (2023)

    34.539,87 tỷ VNĐ
Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045
Theo bạn nội dung cung cấp trên cổng thông tin điện tử như thế nào?