WB ghi nhận kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu phục hồi, dự báo tăng trưởng kinh tế 5,5% năm 2024 và tăng lên 6% năm 2025. Xuất khẩu dự kiến tăng 3,5% so với năm 2023, trong khi tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần. Lạm phát dự báo sẽ tăng nhẹ lên 3,5% trong năm 2024
Đánh giá quốc tế về kinh tế Việt Nam
Trong bối cảnh KTTG dần hồi phục nhưng còn bấp bênh và đối mặt với nhiều rủi ro, triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục được các chuyên gia quốc tế đánh giá tích cực. WB ghi nhận kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu phục hồi, dự báo tăng trưởng kinh tế 5,5% năm 2024 và tăng lên 6% năm 2025. Xuất khẩu dự kiến tăng 3,5% so với năm 2023, trong khi tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần. Lạm phát dự báo sẽ tăng nhẹ lên 3,5% trong năm 2024. Ngân hàng Standard Chartered đánh giá Việt Nam vẫn giữ đà phục hồi, dự báo GDP sẽ tăng tốc từ 6,2% trong nửa đầu năm lên 6,9% trong nửa cuối năm 2024. ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6% năm 2024 và 6,2% năm 2025, cảnh báo nhu cầu toàn cầu suy yếu và việc trì hoãn bình thường hóa lãi suất ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác, cùng với những căng thẳng địa chính trị đang tiếp diễn, có thể cản trở quá trình phục hồi hoàn toàn tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024. Trong trung hạn, IMF kỳ vọng Việt Nam có nhiều cơ hội từ số hóa và chuyển đổi xanh, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt khoảng 6,5%.
Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) gần đây của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thể hiện niềm tin mạnh mẽ của doanh nghiệp nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam được nhận định đang ngày càng tăng tốc trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Thị trường Fintech nước ta dự kiến đạt 18 tỷ USD trong năm 2024, có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực châu Á, chỉ sau Singapore. Ngành kho vận hậu cần (logistics) cũng đạt mốc tăng trưởng ấn tượng 14-16% và sẽ không ngừng đổi mới công nghệ, tiếp tục mở rộng với quy mô tăng trưởng lên đến 48,38 tỷ USD năm 2024 và 65,34 tỷ USD năm 2029, góp phần xác lập Việt Nam là một mắt xích thiết yếu trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Trong dài hạn, các chuyên gia quốc tế bày tỏ lạc quan đối với tiềm năng phát triển bền vững của Việt Nam nhờ nguồn nhân lực dồi dào, khả năng hấp thụ các công nghệ mới nổi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và mạng lưới hợp tác kinh tế với nền kinh tế lớn trên thế giới.
Trong phát triển các ngành công nghệ mới nổi, các ý kiến quốc tế nhấn mạnh Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ các dòng đầu tư đang dịch chuyển trong bối cảnh cạnh tranh ở khu vực rất gay gắt; cần lựa chọn các khâu, công đoạn Việt Nam có lợi thế cạnh tranh (như tập trung vào khâu ứng dụng AI, thiết kế chip AI và điện toán đám mây AI) gắn với sự tham gia của một số doanh nghiệp đa quốc gia hàng đầu để từ đó phát triển hệ sinh thái công nghệ cao ở Việt Nam.
Các chuyên gia cũng đánh giá cao công tác hoạch định, xây dựng chính sách và chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các Bộ, ngành, đồng thời nhấn mạnh cần chú trọng đẩy mạnh tiến độ và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa để củng cố sự phục hồi, quan tâm đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi nguồn tài chính công.
Tình hình triển khai công tác Ngoại giao kinh tế
Thực hiện chương trình, kế hoạch đối ngoại năm 2024 đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê duyệt, các hoạt động đối ngoại trong tháng 4/2024 tiếp tục diễn ra tích cực, sôi nổi, đặc biệt là các hoạt động đối ngoại và ngoại giao kinh tế cấp cao, góp phần củng cố cục diện đối ngoại hoà bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước: (i) Thủ tướng Chính phủ chủ trì Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 (23/4/2024): (ii) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Trung Quốc (07-12/4/2024); (iii) Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tham dự Kỳ họp Đại hội đồng IPU lần thứ 148 (21-27/3 tại Thụy Sỹ, 27-30/3 tại Ba Lan); (iv) Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham dự Chương trình Lãnh đạo Cao cấp Việt Nam (VELP) 2024 và làm việc tại Hoa Kỳ (01-08/4/2024); (v) Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tiếp Giám đốc Điều hành quốc gia Ngân hàng JBIC; (vi) Phố Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thăm chính thức Cuba và Venezuela (14-19/4/2024); (vii) Bộ trưởng Ngoại giao thăm chính thức Hoa Kỳ (21/3/2024), Thái Lan (10-12/4/2024), tiếp Quốc vụ khanh Tây Ban Nha (16/4/2024), Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair (18/4/2024)...
Ngày 02/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024 để nhấn mạnh phương châm triển khai công tác ngoại giao kinh tế năm 2024: “Đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong sách lược, thống nhất trong nhận thức và quyết liệt trong hành động”, đồng thời chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm đối với Bộ Ngoại giao, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Chính phủ, các bộ, ngành tích cực triển khai các hoạt động tiếp xúc đối ngoại, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ở nước ngoài tiếp tục trao đổi, thúc đẩy các hoạt động cấp cao, xúc tiến hợp tác với các đối tác để tham mưu các giải pháp nhằm cụ thể hóa việc nâng tầm, nâng cấp các khuôn khổ hợp tác, tận dụng các FTA với các đối tác cũng như tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
- Công tác nghiên cứu, tham mưu, thông tin dự báo tiếp tục được các bộ, ngành, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chú trọng đẩy mạnh và đổi mới, bám sát nhu cầu trong nước phục vụ công tác điều hành của Chính phủ. Nhằm cụ thể các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở thông tin từ các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và đánh giá của các đối tác quốc tế, Bộ Ngoại giao đã trình Thủ tướng Chính phủ: (i) Báo cáo cập nhật một số trọng tâm cần thúc đẩy trong hợp tác với các đối tác (Hoa Kỳ và Trung Đông); (i) Báo cáo về một số kinh nghiệm quốc tế trong triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu Đề án phát triển nguồn lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
- Các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đánh giá tích cực, đặt kỳ vọng cao về tình hình, triển vọng phát triển kinh tế-xã hội và mỗi trưởng đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Nhiều đoàn doanh nghiệp lớn đã đến Việt Nam và được Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành tiếp và làm việc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc Công ty Dầu khí Zarubezhneft (08/4); tiếp Giám đốc điều hành Tập đoàn Apple (16/4); chủ trì Toạ đàm Doanh nghiệp (ngày 23/4) trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 với sự tham dự của hơn 50 đại diện Lãnh đạo tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài và trong nước. Trong khuôn Chương trình VELP 2024 và làm việc tại Hoa Kỳ (01 - 08/4/2024), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì 02 cuộc Toạ đàm doanh nghiệp tại Washington DC và New York với sự tham gia thực chất của gần 50 Chủ tịch/Phó Chủ tịch các doanh nghiệp hàng đầu, tiếp riêng 07 lãnh đạo các tập đoàn lớn của Mỹ. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tiếp Đoàn doanh nghiệp của Hiệp hội doanh nghiệp Đông Phương (Trung Quốc) (27/3).
Có thể nói, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế của khu vực, có nhiều cơ hội tiếp cận, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển, thu hút các nguồn lực chất lượng cao từ bên ngoài. Tuy nhiên, triển vọng KTTG trong trung hạn đến năm 2030 được đánh giá có tốc độ tăng trưởng khá ảm đạm. Là một nền kinh tế mở và gắn kết chặt chẽ với KTTG, chiều hướng này sẽ tác động nhiều chiều đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2026 - 2030. Điều này đặt ra yêu cầu các bộ, cơ quan tham mưu cần tiếp tục có nghiên cứu bài bản, toàn diện về triển vọng và các xu thế lớn của KTTG, đánh giá tác động đến kinh tế Việt Nam để từ đó xây dựng các kịch bản tăng trưởng, quan điểm huy động nguồn lực phù hợp trong các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIV./.
Trịnh Minh