Thứ sáu, Ngày 28/06/2024 -

Cần bổ sung “người khuyết tật” vào nhóm đối tượng phải tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng chống mua bán người
Ngày đăng: 24/06/2024  16:01
Mặc định Cỡ chữ
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng ngày 24/6, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh đã có ý kiến tham gia xây dựng luật.

 

Đại biểu Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận

 

Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, từ kết quả khảo sát thực tế và qua nghiên cứu nội dung Báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật Chính phủ trình Quốc hội trong các năm 2022 và năm 2023 nổi lên mấy vấn đề đáng chú ý, như:

 

Thứ nhất, thời gian trước đây, hoạt động mua bán người chủ yếu xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn có phần hạn chế. Tuy nhiên, những năm gần đây, ở nhiều vùng khác tuy không thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nhưng tình hình mua bán người cũng xảy ra rất nghiêm trọng và phức tạp.

 

Thứ hai, nạn nhân của mua bán người trước đây chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, những năm gần đây có rất nhiều nạn nhân là nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên; với thủ đoạn lừa "Việc nhẹ, lương cao" đối tượng mua bán người đã đưa nhiều nạn nhân (là nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên) qua biên giới, nhất là sang Campuchia để cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản. Nóng nhất là vào năm 2022 (theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022 cả nước xảy ra 43 vụ mua bán người; số đối tượng mua bán người là 113 đối tượng - tăng 10,26% về số vụ và tăng 44,87% về số đối tượng mua bán người so với cùng kỳ năm 2021).

 

Thứ ba, nạn nhân bị đối tượng mua bán người sử dụng vào mục đích vô nhân đạo khác như buộc nạn nhân phải đi ăn xin, hoặc sử dụng nạn nhân vào các mục đích tàn ác khác... ngoài số nạn nhân thuộc lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng thì người khuyết tật cũng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các hành vi này.

 

Thứ tư, về cơ quan, tổ chức trực tiếp tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân. Thời gian qua, có nhiều trường hợp nạn nhân ngay sau khi tự giải cứu hoặc được người nhà, cơ quan, tổ chức ngoài nhà nước giải cứu trở về qua biên giới trên biển và trên đất liền, trước nhất là họ vào các Đồn Biên phòng, tàu Cảnh sát biển để khai báo.

 

Từ thực trạng tình hình trên, đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và tiếp tục đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung các nội dung sau vào Dự án Luật:

 

Thứ nhất, về việc Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người (dự kiến quy định tại khoản 4, Điều 5), đề nghị ngoài việc ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn thì cũng cần có quy định ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng, địa phương có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp.

 

Thứ hai, đề nghị bổ sung nhóm đối tượng là người khuyết tật vào nhóm cần được tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục (dự kiến quy định tại khoản 5, Điều 7). Cụ thể bổ sung quy định tại khoản 5, Điều 7 là: "Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được tăng cường đối với phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên, người khuyết tật và những người cư trú tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KTXH khó khăn và những địa bàn xảy ra nhiều vụ việc mua bán người".

 

Thứ ba, về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia phòng ngừa mua bán người (dự kiến quy định tại Điều 19 và Điều 20), đề nghị ngoài quy định về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, trách nhiệm của HLH Phụ nữ; cần thiết bổ sung và quy định rõ trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người vào dự thảo Luật.

 

Thứ tư, về tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo (dự kiến quy định tại Điều 26), đề nghị bổ sung quy định Đồn Biên phòng, các đơn vị của Cảnh sát biển là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xác minh khi nạn nhân tự đến trình báo./.

 

Hồ Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh)