Thứ 3, Ngày 22/10/2024 -

Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật từ ngày 14- 20/10/2024
Ngày đăng: 20/10/2024  19:00
Mặc định Cỡ chữ
(http://kontum.gov.vn): Tăng cường thực hiện quy định pháp luật về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; Triển khai thực hiện các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích; Phê duyệt công bố Danh mục địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại năm 2025; Đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật trên không gian mạng; Ban hành tài liệu bồi dưỡng tiếng Jrai; Ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2025-2030)”; Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN quản lý, vận hành các trụ sở CQNN tại Khu hành chính tỉnh; Tăng cường công tác phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi; Xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 14 - 20/10/2024.

 

Ảnh minh họa

 

Tăng cường thực hiện quy định pháp luật về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em

 

Tại Công văn số 3672/UBND-KGVX ngày 14/10, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập có thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn, bảo đảm các cơ sở trợ giúp xã hội tuân thủ các quy định của Luật Trẻ em và các quy định của pháp luật có liên quan về quy trình tiếp nhận, chăm sóc và thực hiện các hình thức chăm sóc thay thế vì lợi ích tốt nhất của từng trẻ em; đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động; công tác tiếp nhận, quản lý các nguồn vận động xã hội của các cơ sở.

 

Xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở trợ giúp xã hội hoạt động không đăng ký, tự phát, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật.

 

Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao trách nhiệm của người dân, các cấp, các ngành trong việc phát hiện, báo cáo và xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

 

Có giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm tất cả các cơ sở trợ giúp xã hội trong và ngoài công lập trên địa bàn quản lý có sử dụng công nghệ lắp đặt các trang thiết bị kỹ thuật theo dõi, giám sát thường xuyên, liên tục (24h/24h) việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội; chia sẻ, cập nhật dữ liệu về chăm sóc, bảo vệ trẻ em với các cơ quan có thẩm quyền trong việc giám sát, bảo vệ các quyền trẻ em tại cơ sở...

 

Triển khai thực hiện các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích

 

Tại Công văn số 3662/UBND-NC ngày 14/10, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyên, phổ biến các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó chú trọng tuyên truyền các quy định có liên quan đến việc kiểm soát xung đột lợi ích để cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị biết, thực hiện đúng quy định.

 

Chỉ đạo rà soát để phát hiện các trường hợp có xung đột lợi ích; thiết lập kênh tiếp nhận thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích; áp dụng các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích; tổ chức công tác kiểm tra, tự kiểm tra để phát hiện và xử lý các trường hợp có xung đột lợi ích theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

 

Thanh tra tỉnh và các cơ quan có cơ quan thanh tra trực thuộc tăng cường thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng (trong đó có thanh tra về kiểm soát xung đột lợi ích) nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng và nâng cao Chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của tỉnh, cụ thể:

 

Cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh có từ 04 đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp trở xuống, tối đa trong thời hạn 3 năm, các đơn vị thuộc quyền phải được thanh tra 01 lần; các cơ quan, đơn vị có từ 05-09 đơn vị, bố trí trong kế hoạch thanh tra hằng năm tối thiểu 02 cuộc thanh tra; Các cơ quan, đơn vị có từ 10-14 đơn vị, UBND các huyện, thành phố bố trí trong kế hoạch thanh tra hằng năm tối thiểu 03 cuộc thanh tra.

 

Thanh tra tỉnh; các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh có từ 15 đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp trở lên bố trí trong kế hoạch thanh tra hằng năm tối thiểu 04 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

 

Qua thanh tra, trường hợp phát hiện vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng (trong đó có thanh tra về kiểm soát xung đột lợi ích) thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

 

Phê duyệt công bố Danh mục địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại năm 2025

 

Tại Quyết định số 657/QĐ-UBND ngày 14/10, UBND tỉnh phê duyệt công bố Danh mục địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại và lĩnh vực ưu tiên được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2025 với 10 địa điểm, cụ thể:

 

Theo đó, thành phố Kon Tum có 2 địa điểm (Quảng trường 16/3 và Khu đất Sân bóng thôn Kon Rơ Wang); huyện Đăk Hà có 3 địa điểm (Bến xe khách huyện Đăk Hà, Sân vận động Tổ dân phố 7 và Sân vận động huyện); huyện Đăk Tô 01 địa điểm (Sân vận động huyện); huyện Tu Mơ Rông 01 địa điểm (Quảng trường khu trung tâm huyện); huyện Ngọc Hồi 01 địa điểm (Trung tâm Văn hóa và Thể dục thể thao huyện); huyện Đăk Glei 01 địa điểm (Sân thể thao, lễ hội huyện); huyện Ia H’Drai 01 địa điểm (Trung tâm thương mại huyện); huyện Kon Plông 01 địa điểm (Sân bay Măng Đen); huyện Kon Rẫy 01 địa điểm (Sân vận động thị trấn Đăk Rve); huyện Sa Thầy 01 địa điểm (Khu vực đường Trần Quốc Tuấn).

 

UBND tỉnh giao Sở Công Thương công bố Danh mục được phê duyệt và thực hiện xác nhận đăng ký, đăng ký sửa đổi bổ sung nội dung tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại theo quy định; Trường hợp có thay đổi về thời gian, địa điểm, chủ đề tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại khác với Danh mục đã công bố, Sở Công Thương chủ trì, thống nhất với các địa phương liên quan, báo cáo UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

 

Đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật trên không gian mạng

 

Tại Công văn số 3723/UBND-NC ngày 16/10, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội chống phá Đảng, Nhà nước; đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật trên không gian mạng, nâng cao trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân khi sử dụng các nền tảng dịch vụ xuyên biên giới; chủ động trao đổi, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông nhằm phát hiện và xử lý ngay các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật trên không gian mạng và các quy định khác có liên quan.

 

Yêu cầu Công an tỉnh, Sở thông tin và Truyền thông chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi lợi dụng các trang TTĐT, mạng xã hội để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý sớm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng...

 

Ban hành tài liệu bồi dưỡng tiếng Jrai

 

Tại Quyết định số 671/QĐ-UBND ngày 17/10/2024, UBND tỉnh ban hành "Tài liệu bồi dưỡng tiếng Jrai" gồm 12 chủ đề với 55 bài; được sử dụng để bồi dưỡng tiếng Jrai cho công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số; cán bộ, công chức, viên chức và sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng Công an, Quân đội đang công tác tại tỉnh Kon Tum.

 

“Tài liệu bồi dưỡng tiếng Jrai” được biên soạn dựa trên khung chương trình chi tiết được ban hành tại Quyết định số 748/QĐ-UBND ngày 18/12/2023 của UBND tỉnh về việc chọn tiếng dân tộc thiểu số để triển khai bồi dưỡng và ban hành chương trình chi tiết bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

 

Ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2025-2030)”

 

Tại Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 18/10, UBND tỉnh ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2025-2030” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục cải tạo giúp đỡ phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành xong án phạt tù; thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp nhằm giúp người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương xóa bỏ mặc cảm lỗi lầm, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, trở thành công dân có ích cho xã hội...

 

Theo đó, hằng năm phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu, như: 100% số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương được tiếp nhận và thực hiện quy trình tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ; 100% số người chấp hành xong án phạt tù được tư vấn, trợ giúp về pháp lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý và cấp các giấy tờ liên quan đến cá nhân; 100% xã, phường, thị trấn có người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tổ chức tuyên truyền về công tác tái hòa nhập cộng đồng.

 

Từ 20% - 25% số người chấp hành xong án phạt tù được bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp phù hợp với sức khỏe, thị trường lao động; từ 15% - 20% được giới thiệu có việc làm ổn định; từ 30% - 35% chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

 

Tỷ lệ người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội và vi phạm pháp luật hằng năm dưới 01%, phấn đấu đến năm 2030 giảm xuống còn 0,5%.

 

100% xã, phường, thị trấn có người chấp hành xong án phạt tù về cư trú có đội ngũ tuyên truyền viên để tuyên truyền, giáo dục về công tác tái hòa nhập cộng đồng; Từ 20%-30% xã, phường, thị trấn có người chấp hành xong án phạt tù về cư trú xây dựng được các mô hình về quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng và duy trì các mô hình hoạt động hiệu quả.

 

100% phạm nhân chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh và Nhà tạm giữ Công an huyện, thành phố được giáo dục, tư vấn trang bị kiến thức về pháp luật, kỹ năng tìm kiếm việc làm; 100% phạm nhân chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động của xã hội.

 

Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN quản lý, vận hành các trụ sở CQNN tại Khu hành chính tỉnh

 

Tại Quyết định số 52/2024/QĐ-UBND ngày 18/10, UBND tỉnh ban hành Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước quản lý, vận hành các tòa nhà/trụ sở cơ quan nhà nước tại Khu hành chính của tỉnh Kon Tum làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị, tổ chức triển khai dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

 

Về nội dung đánh giá, gồm: Chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất của đơn vị cung cấp dịch vụ; Nhân lực thực hiện nhiệm vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ; Đơn vị cung cấp dịch vụ ban hành các văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ theo các quy định hiện hành; Thái độ, tác phong lề lối làm việc, ứng xử của nhân viên đơn vị cung cấp dịch vụ; Chất lượng của dịch vụ...

 

Tăng cường công tác phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi

 

Ngày 19/10, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3761/UBND-NNTN chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND các huyện, thành phố chủ động phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2024 - 2025, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra cho đàn vật nuôi, giúp Nhân dân ổn định phát triển chăn nuôi...

 

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; nhất là thay đổi tập quán chăn nuôi gia súc thả rông (trâu, bò, lợn ...), phòng chống đói, rét cho trâu, bò; nâng cao hiệu quả chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi và bảo vệ môi trường;

 

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và phân công trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể từng tổ chức, cá nhân trong công tác phát triển chăn nuôi, phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi; tránh tình trạng chủ quan, lơ là để xảy ra tình trạng gia súc, gia cầm chết do đói, rét;

 

Triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn; Kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn tinh và thức ăn khô và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò; phổ biến kinh nghiệm phòng chống đói, rét cho gia súc của các địa phương và xây dựng phương án ứng phó kịp thời khi rét đậm, rét hại xảy ra;

 

Cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu ở địa phương, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Những ngày rét nhiệt độ ngoài trời dưới 120C, tuyên truyền, vận động nông dân không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do; đưa trâu, bò về chuồng, trại nuôi nhốt có thức ăn đảm bảo trong thời gian rét đậm, rét hại; củng cố, che chắn và thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, luôn giữ khô nền chuồng, đảm bảo ấm và không ẩm ướt;

 

Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để phục vụ công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình chính sách để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi trước khi vào mùa rét đậm, rét hại...

 

Xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm

 

Ngày 20/10, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3764/UBND-HTKT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.

 

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố phải xác định việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu của cán bộ trong việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông để định hình lại thói quen chấp hành pháp luật trong toàn xã hội. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, quán triệt, yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị gương mẫu chấp hành các quy định trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT; phát huy tinh thần trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu trong chấp hành pháp luật về ATGT; đồng thời, vận động bạn bè, người thân chấp hành và không lợi dụng uy tín, vị trí công tác để can thiệp vào việc xử lý vi phạm ATGT của các lực lượng chức năng, nhất là vi phạm về nồng độ cồn.

 

Khi có thông báo của cơ quan chức năng về việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm; căn cứ quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và quy định riêng của cơ quan, đơn vị, phải thực hiện, chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý nghiêm theo quy định; việc xử lý phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm cho cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, gồm cả giám sát từ Nhân dân về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương khi tham gia giao thông đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập...

 

Thái Ninh