Thứ 4, Ngày 23/10/2024 -

Đẩy mạnh triển khai các giải pháp tăng cường cải CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Ngày đăng: 22/10/2024  17:11
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 21/10/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3774/UBND-KTTH về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian tới.

 

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác đối thoại với doanh nghiệp (DN) qua nhiều hình thức (như đối thoại trực tiếp với DN, qua Hệ thống “Tiếp nhận, phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp”,…) cần đa dạng về nội dung, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cơ quan, đơn vị, địa phương.

 

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự năng động sáng tạo và tiên phong của lãnh đạo các cấp chính quyền và đội ngũ CBCCVC trong việc hỗ trợ DN. Quán triệt tới CBCCVC quan điểm vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách trong giải quyết công việc theo hướng tạo thuận lợi nhất cho DN. Thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo CBCCVC nắm vững các chính sách để vận dụng hiệu quả, chú trọng cả về kiến thức và thái độ hành vi ứng xử.

 

Tiếp tục thực hiện các nội dung theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh. Trong đó: Tăng cường vai trò, trách nhiệm trong giải quyết công việc, thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của UBND tỉnh, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ giải quyết hồ sơ, TTHC do nguyên nhân chủ quan làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; thường xuyên theo dõi, có văn bản đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư trong quá trình triển khai các thủ tục pháp lý có liên quan đến hoạt động dự án, nhất là trong các lĩnh vực về đầu tư, đất đai, khoáng sản,... để việc triển khai thực hiện các dự án đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng không giải quyết các thủ tục có liên quan do chậm trễ về mặt thời gian khi nộp hồ sơ thực hiện TTHC; thường xuyên, chủ động rà soát khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh để kịp thời giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật, nhất là các vấn đề liên quan đến việc thực hiện các quy định, chính sách pháp luật, văn bản của trung ương.

 

Tăng cường triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của tỉnh đến với DN, tạo sự nhất quán trong triển khai từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Qua đó, đem lại niềm tin cho doanh nghiệp vào sự kiên quyết, nỗ lực của chính quyền các cấp trong quá trình đồng hành, hỗ trợ DN.

 

Chủ động rà soát pháp luật các lĩnh vực quản lý để kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ. Nâng cao năng lực phản ứng chính sách trong bối cảnh tình hình mới, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển. Đặc biệt chú trọng rà soát các văn bản có quy định về TTHC, đầu tư kinh doanh để kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các TTHC không cần thiết, các quy định chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư; đảm bảo phù hợp với các Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan; giảm tối đa chi phí đầu vào để tăng tính cạnh tranh.

 

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách TTHC, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để cắt giảm thời gian trong việc giải quyết TTHC cho người dân và DN; thường xuyên rà soát, kịp thời cập nhật, công khai đầy đủ TTHC, phí, lệ phí giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp và trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị theo quy định và theo hướng dẫn của Văn phòng UBND tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ DN và người dân thực hiện DVC trực tuyến để giúp tiết giảm thời gian, chi phí. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng “mối quan hệ” để có được những ưu đãi đặc biệt, chính sách riêng (như: hợp đồng kinh tế; khai thác tài nguyên; đấu thầu, chỉ định thầu; giao, cho thuê đất đầu tư, sản xuất kinh doanh...) gây bất bình đẳng giữa DN lớn và DN nhỏ, DN nhà nước và DN tư nhân. Thực hiện đối xử bình đẳng, công bằng giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận ưu đãi, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, cơ chế chính sách và giải quyết TTHC trong lĩnh vực quản lý.

 

Thực hiện tốt các nội dung về công tác thanh tra, kiểm tra DN; công khai danh sách DN, nội dung và thời gian thanh, kiểm tra trên website của đơn vị để DN có thể theo dõi… Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Triển khai, thực hiện có hiệu quả các quy định của Trung ương và địa phương về công tác Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

 

Phát huy vai trò người đứng đầu, chịu trách nhiệm toàn diện trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực thi nhiệm vụ của CBCCVC và người lao động thuộc quyền quản lý, đặc biệt tại các vị trí tiếp xúc, giải quyết công việc của người dân, DN; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và DN trong giải quyết công việc. Tăng cường kiểm tra, giám sát CBCCVC trong quá trình thực thi công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà DN của một bộ phận CBCCVC. Tuyên truyền, hỗ trợ DN và người dân thực hiện DVC trực tuyến để giúp tiết giảm thời gian, chi phí; nhất là việc tổ chức thực hiện Kết luận số 1883-KL/TU ngày 10/6/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cơ quan, đơn vị địa phương trên địa bàn tỉnh./.

 

Vũ Huệ - Trần Khoa