Thứ 5, Ngày 31/10/2024 -
Tháng 9 là giai đoạn đầu năm học mới nên nhu cầu đối với các mặt hàng đồ dùng học tập tăng, nguồn cung tốt nên giá tương đối ổn định. Trong dịp Tết Trung Thu, nhu cầu các mặt hàng bánh trung thu, hoa, quả tăng, nguồn cung dồi dào, đa dạng nên giá không tăng bất thường. Trong giai đoạn các tỉnh phía Bắc bị bão, lũ, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, về cơ bản nguồn cung hàng hóa đã được Sở Công Thương các địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối, tiểu thương kinh doanh tại các chợ có phương án bảo đảm duy trì thường xuyên cho thị trường. Đối với các khu vực chưa bị ngập lụt, chia cắt, việc cung ứng hàng hóa luôn được bảo đảm, giá hàng hóa tại các hệ thống phân phối hiện đại được giữ ổn định; tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau, củ, thịt lợn, mỳ có tăng nhưng không đột biến, nguồn cung được bổ sung thường xuyên từ việc điều phối của các doanh nghiệp từ phía Nam ra và từ nhập khẩu của Trung Quốc nên hầu như không thiếu hàng tăng giá bất hợp lý. Đối với các khu vực bị ngập, lụt, chia cắt, Sở Công Thương và các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm như mỳ, lương khô, bánh mỳ, bánh trưng, nước uống đóng chai... đến cho người dân. Đối với các mặt hàng thiết yếu khác, nguồn cung và nhu cầu không có biến động lớn, thị trường nhìn chung bình ổn, một số mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng, giá trong nước biển động theo giá thế giới.
9 tháng năm 2024, trong giai đoạn Quý I, thị trường chủ yếu tập trung cho công tác phục vụ Tết, với việc chỉ đạo sớm của Chính phủ, các Bộ, địa phương và việc triển khai tích cực việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường của các doanh nghiệp, thị trường hàng hóa luôn được bình ổn, nguồn cung hàng hóa Tết đáp ứng tốt nhu cầu tăng và đa dạng của người dân.
Sang Quý II, thị trường tập trung cho việc cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm, giá tương đối bình ổn, riêng mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn cung giảm trong một số giai đoạn, giá có biến động tăng, tuy nhiên, do có nhiều mặt hàng thực phẩm thay thế nên giá thịt lợn không tăng đột biến.
Trong Quý III, một số địa phương phía Bắc bị ảnh hưởng của bão, lũ (con bão số 3) gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nhiều cơ sở hạ tầng thương mại bị hư hỏng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn bão, lũ, do có sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của Chính phủ, các Bộ, địa phương nên việc cung ứng hàng hóa bảo đảm đời sống cho người dân được thực hiện khá tốt, bên cạnh đó các hoạt động thiện nguyện cũng hỗ trợ tích cực cho công tác cung cấp hàng hóa cho người dân tại các khu vực bị chia cắt. Sau bão, các địa phương đã nhanh chóng sửa chữa, khôi phục lại hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước, ngày 27 tháng 8 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về kích cầu tiêu dùng, thực hiện Chỉ thị nêu trên, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai các nhiệm vụ giải pháp được giao nhằm hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong nước và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả nước tháng 9 dạt 535.772 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước, trong đó mức tăng chủ yếu từ đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình, nhóm lương thực, thực phẩm, may mặc và dịch vụ khác (tăng từ 1,1-2,5%), các nhóm còn lại giảm từ 1,2-3,8%. Uớc 9 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ vả dịch vụ cả nước đạt 4.703.401 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ 9 tháng đầu năm, hầu hết các nhóm đều tăng khá tốt (tăng từ 9,1-16,7%), riêng nhóm phương tiện đi lại tăng thấp (tăng 5,4%) nên đã kéo mức tăng chung tăng dưới 9%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 9 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 5,8%.
Tổng mức bán lẻ của Thành phố Hà Nội
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2024 ước tính đạt 73,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 45,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% và tăng 9%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 10,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% và tăng 8,7%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% và tăng 25,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 14,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và tăng 18,3%.
Tính chung 9 tháng năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 619,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 391,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,2% tổng mức và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (đá quý, kim loại quý tăng 38,6% lương thực, thực phẩm tăng 13,4%; hàng may mặc tăng 9,8%; ô tô tăng 8,3% xăng dầu tăng 7,3%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 6,8%; hàng hóa khác tăng 12,2%). Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 84,1 nghìn tỷ đồng chiếm 13,6% tổng mức và tăng 11.1% (dịch vụ lưu trú đạt 5,4 nghìn tỷ đồng chiếm 1,5% và tăng 32,6%; nhà hàng đạt 74,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,1% và tăng 8,9%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 20,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 41,1%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 123,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,9% và tăng 6,3% (giáo dục và đào tạo tăng 10,5%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 8,9%; dịch vụ khác tăng 8,0%; kinh doanh bất động sản tăng 8%; y tăng 7,5%).
Tổng mức bán lẻ của Thành phố Đà Nẵng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 năm 2024 ước đạt 12.213 tỷ đồng, giảm 1,1% so với tháng trước và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 6.318 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.421,2 tỷ đồng, giảm 6,2% so với tháng trước, tăng 27,0% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 2.805 tỷ đồng, giảm 0,9% so với tháng trước nhưng tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 103.607 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 55.639 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt gần 20.602,7 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt gần 21.600 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ của Thành phố Hồ Chí Minh
Hoạt động thương mại dịch vụ trên tiếp tục tăng trưởng ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng tháng 9 ước tăng 4,8% so với tháng trước, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 50.331 tỷ đồng, chiếm 46,4% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 15,7% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 12.259 tỷ đồng, chiếm 11,3% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 12,5% so với cùng kỳ. Dịch vụ lữ hành ước đạt 3.067 tỷ đồng, giảm 19,5% so với tháng trước và tăng 28,5% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 42.753 tỷ đồng, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 872.331 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 413.188 tỷ đồng, tăng 11,0% so với cùng kỳ. Doanh thu lưu trú và ăn uống ước đạt 99.021 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 30.005 tỷ đồng, tăng 54,9% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 330.117 tỷ đồng, tăng 7,5%.
Xuất nhập khẩu
Ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 đạt 36,2 tỷ USD, giảm 4,2% so với tháng trước, trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm do nhóm hàng có tỷ trọng lớn là hàng công nghiệp chế biến giảm 6,2% với sự sụt giảm của các ngành hàng dệt may, da giầy, gỗ... Các nhóm khác gồm nông thủy sản, nhiên liệu khoáng sản, hàng hóa khác tăng với mức tăng từ 4,8-18,2%. Uớc kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đạt 301,6 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các nhóm hàng đều có mức tăng từ 2,5-23,8% (các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng). Ước kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9 là 35 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước, trong đó mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu (tăng 9,9%); nhóm hàng cẩn nhập khẩu chỉ tăng 3,6%. Ước kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm là 281,9 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng cần nhập khẩu tăng 19,4%, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng 11,6%, nhóm hàng hóa khác tăng 13,3%. Sau 9 tháng đầu năm, cán cân thương mại tiếp tục ở trạng thái xuất siêu với mức xuất siêu là 19,8 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI):
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 9 tăng 0,29% so với tháng trước, trong đó nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm giáo dục (tăng 2,09%) do việc tăng phí dịch vụ giáo dục tại một số địa phương; tiếp đến nhóm thực phẩm (tăng 1,06%) do giá nhiều mặt hàng rau xanh, thực phẩm tăng tại các tỉnh phía Bắc đợt bão, lũ; các nhóm còn lại chỉ tăng từ 0,030,77%, riêng nhóm giao thông giảm 2,77% do giá xăng dầu giảm một số kỳ là trong cuối tháng 8, đầu tháng 9.
CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2024 tăng 3,88% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm lương thực (tăng 14,23%) do giá gạo tăng cao từ cuối năm 2023 và giữ ở mức cao đến nay; tiếp đến là các nhóm y tế (tăng 7,46%), giáo dục (tăng 7.51%) do việc điều chỉnh tăng phí giáo dục và phí dịch vụ y tế theo lộ trình tại các địa phương; nhóm hàng hóa dịch vụ khác tăng 6,42% do một số dịch vụ tăng theo lương cơ bản; nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 5,33% do việc điều chỉnh tăng giá điện và giá thuê nhà, giá chất đốt tăng; các nhóm còn lại tăng 1,22-4%./.
Trịnh Minh
Tin tức liên quan