 |
Chăm sóc và theo dõi bò bị bệnh LMLM.
|
Theo Chi cục Thú y tỉnh, chỉ tính riêng năm 2011, dịch bệnh LMLM đã làm 4.438 con trâu, bò và 1.023 con lợn tại 68 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thành phố trong tỉnh bị bệnh. Ngoài việc vất vả chống dịch, các địa phương phải tiêu hủy 132 con trâu, bò và trên 1.000 con lợn. Rồi cúm gia cầm H5N1 xảy ra ở một số hộ chăn nuôi ở phường Trần Hưng Đạo (thành phố Kon Tum) và thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) chúng ta buộc phải tiêu hủy 2.290 con gia cầm và 500 quả trứng tại các ổ dịch. Đó là chưa nói đến bệnh thương tụ huyết trùng, phó thương hàn, tiêu chảy… trên gia súc cũng gây không ít khốn đốn cho hộ chăn nuôi.
Để công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, tỉnh và trung ương phải xuất ngân sách để hỗ trợ tiền cho người chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị tiêu hủy, cung cấp vắc xin và hóa chất cho việc chống dịch.
Tuy nhiên, để hạn chế và hướng đến thanh toán một số loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm là việc không dễ vì quy mô chăn nuôi của các hộ dân ở tỉnh còn nhỏ lẻ; một bộ phận đồng bào dân tộc, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa vẫn còn tập quán chăn nuôi thả rông gia súc nên khó phát hiện dịch bệnh. Khi phát hiện dịch bệnh, bà con thường không khai báo cụ thể, gây khó khăn cho việc chống dịch. Một số trường hợp người chăn nuôi thường dùng các phương pháp dân gian để tự điều trị, đến khi chữa không khỏi bệnh cho gia súc hoặc bệnh có diễn biến phức tạp mới báo cho chính quyền địa phương và thú y cơ sở. Từ đó, việc bao vây, khống chế và xử lý các ổ dịch gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh đã lây lan ra diện rộng. Việc tổ chức các đợt tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm mặc dù đã có những tiến bộ, song nhìn chung công tác tiêm phòng và chất lượng tiêm phòng vẫn chưa thực sự đảm bảo. Nguyên nhân do nhận thức của người dân về tiêm phòng cho đàn gia súc còn thấp; việc đưa gia súc thả rông trong rừng về tiêm phòng không kịp thời; một số nơi, chính quyền địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh. Điều kiện bảo quản vắc xin ở các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là ở các xã vùng sâu chưa đảm bảo vì không có tủ lạnh để bảo quản vắc xin trong các kỳ tiêm phòng; mặc khác việc vận chuyển vắc xin đến nơi tập trung gia súc để tiêm phòng rất xa (do địa hình phức tạp phải đi bộ hàng giờ đồng hồ mới đến nơi) đã ảnh hưởng đến chất lượng tiêm phòng.
Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y vẫn còn những tồn tại như: một số động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm dịch và kiểm soát giết mổ do việc người dân vận chuyển nhỏ lẻ rất khó kiểm soát; các huyện, thành phố (trừ huyện Đăk Hà) vẫn chưa xây dựng được các cơ sở giết mổ tập trung. Mạng lưới thú y cơ sở, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn còn thiếu và yếu (phần lớn họ không được đào tạo nghiệp vụ bài bản, chủ yếu là tập huấn ngắn hạn) nên chưa tham mưu tốt cho chính quyền trong các đợt tiêm phòng và chống dịch. Lực lượng thú y cơ sở ngoài sự trợ cấp từ ngân sách và tiền công tiêm phòng (nếu có) chưa đảm bảo đời sống, khiến nhiều người chưa thật sự chưa yêu nghề...
Theo ông Phạm Ngọc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, trướctình hình đặt ra, để nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững của công tác phòng chống dịch bệnh, ngoài các biện pháp chuyên môn của ngành Thú y, người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Các cấp chính quyền cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, đặc biệt là công tác giám sát phát hiện, xử lý kịp thời dịch bệnh và tiêm phòng; tăng cường quản lý vận chuyển, mua bán động vật và sản phẩm động vật, giết mổ động vật; quy hoạch, xây dựng và đưa vào sử dụng các cơ sở giết mổ động vật tập trung. Về lâu dài, đội ngũ thú y cơ sở cần được đào tạo bài bản và tỉnh cần có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho đội ngũ thú y cơ sở gắn bó với nghề, yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Bài và ảnh: Văn Nhiên