Thứ sáu, Ngày 27/12/2024 -
|
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Kon Tum |
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, các sở, ban ngành liên quan của tỉnh; đại diện các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu giai đoạn 2013-2023.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, giai đoạn 2013-2023, hoạt động xã hội hóa giáo dục có những bước tiến tích cực, với sự tham gia của hơn 300 tập thể, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; các gia đình ở nhiều địa phương đã hiến trên 500ha đất để xây dựng mới, kiên cố hóa phòng học, nhà công vụ cho giáo viên. Có khoảng 36 nghìn phòng học, 1.300 phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư từ nguồn xã hội hóa với tổng kinh phí ước khoảng 33 nghìn tỷ đồng.
Đến năm 2023, số phòng học kiên cố của cả nước là 545.375 phòng, đạt 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013; trong đó, bậc mầm non đạt 83,0%, tăng 35,3% so với năm 2013; bậc tiểu học đạt 83,2%, tăng 21,6% so với năm 2013; bậc THCS đạt 94,9%, tăng 14,4%; bậc THPT đạt 97,0%, tăng 6,6%; các trường phổ thông có nhiều cấp học đạt tỷ lệ khoảng 83,0%.
Hoạt động xã hội hóa góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia. Đến tháng 7/2023, cả nước có 56,9% trường học bậc mầm non, 62,8% trường học bậc tiểu học, 72,3% trường học bậc THCS, 49,6% trường học bậc THPT, 44,2% trường phổ thông nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia...
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 số phòng học được kiên cố hóa đạt 100% (khoảng 75.380 phòng), đầu tư xây dựng đủ số phòng công vụ cho giáo viên theo nhu cầu...
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành GD&ĐT tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp, như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên. Đẩy mạnh truyền thông về xã hội hóa để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc đóng góp cho giáo dục; tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt; Quy hoạch mạng lưới trường, lớp học tại các địa phương để thu hút nguồn xã hội hóa đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là việc kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên....
Phát biểu tham luận tại điểm cầu tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nêu: Triển khai chủ trương và các chính sách xã hội hóa GD&ĐT, tỉnh đã có kế hoạch, chương trình hành động nhằm thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư cho GD&ĐT; các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là bậc mầm non và các cơ sở giáo dục ngoài công lập khác đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân có bước phát triển đáng kể.
Toàn tỉnh đã huy động được 35 dự án với tổng kinh phí 220.364 triệu đồng, góp phần xây dựng 337 phòng học (trong đó tài trợ cho các trường công lập 230 phòng) và 05 phòng công vụ cho giáo viên; diện tích đất đã bố trí cho các cơ sở giáo dục từ nguồn xã hội hóa trên 17.000 m2. Các tổ chức Doanh nghiệp cũng đã quan tâm tài trợ với quy mô lớn nhằm hình thành các cơ sở giáo dục theo hướng đạt chuẩn quốc gia, tiêu biểu như Ngân hàng Liên Việt (nay là Ngân hàng Lộc Phát); Ngân hàng Vietcom Bank. Chương trình Sóng máy tính cho em, tỉnh cũng nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các ngân hàng để trang bị thiết bị dạy học trực tuyến, nhà bán trú cho em, công trình vệ sinh nước sạch, điểm trường mầm non ở cộng đồng dân cư…
Đồng chí cũng nêu những khó khăn của tỉnh trong thực hiện chính sách xã hội hóa GD&ĐT, như: Tỉnh miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số, điều kiện KTXH còn nhiều khó khăn; quy mô trường lớp nhỏ lẻ, dân cư phân tán nên gặp nhiều thách thức trong việc kiên cố hóa trường lớp; tỷ lệ phòng học bán kiên cố còn cao chiếm 41,7%; tỷ lệ nhà công vụ ở vùng sâu vùng xa đáp ứng mới chỉ 38%... Đồng thời đề nghị Trung ương cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục trong thời gian tới...
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận, biểu dương ngành GD&ĐT và các bộ, ngành, đơn vị liên quan, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, các cá nhân đã có những đóng góp quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ ngành liên quan và các địa phương tiếp tục quan tâm, triển khai hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục về kiên cố trường, lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian tới; rà soát và điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học phù hợp điều kiện phát triển KTXH; tăng cường phối hợp giữa địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các hoạt động đầu tư vào giáo dục; khuyến khích mô hình hợp tác công tư để tận dụng tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng nguồn lực xã hội hóa, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả...
|
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa các đơn vị, cá nhân có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển GD&ĐT của tỉnh |
Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT đã vinh danh, biểu dương các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác xã hội hóa thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học. Đồng thời tiếp nhận các nguồn tài trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ cho công tác này trong thời gian tới./.
Lan Anh
Tin tức liên quan