Thứ sáu, Ngày 17/01/2025 -
Tình hình điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) của Hoa Kỳ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 11 năm 2024, số lượng vụ việc nước ngoài điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đã lên tới 271 vụ việc từ 25 thị trường, bao gồm 148 vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG), 30 vụ việc điều tra chống trợ cấp (CTC), 39 vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM và 54 vụ việc điều tra tự vệ. Chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã phải đối mặt với 27 vụ việc điều tra PVTM mới từ các nước (gần gấp đôi so với cả năm 2023 là 15 vụ), cho thấy xu hướng bảo hộ đang ngày càng gia tăng. Ngoài ra, một số vụ việc PVTM được khởi xướng từ những năm trước vẫn tiếp tục được điều tra/rà soát biện pháp áp dụng trong năm 2024 cũng đòi hỏi công tác xử lý kịp thời (hiện còn hơn 100 biện pháp PVTM đang áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của ta).
Hoa Kỳ là nước điều tra PVTM nhiều nhất trên thế giới theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới - WTO và cũng là nước điều tra nhiều nhất với Việt Nam với 70 vụ việc (chiếm hơn % số vụ việc), bao gồm 31 vụ việc CBPG, 14 vụ việc CTC, 3 vụ việc tự vệ, 22 vụ việc chống lẩn tránh…
Dự báo xu hướng điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của Hoa Kỳ thời gian tới
Tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump về kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm từ Trung Quốc và các nước khác khi tranh cử dự kiến sẽ đem đến những thách thức đối với hoạt động xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ rất khó đoán định, thậm chí còn nhắm đến cả các quốc gia đồng minh, đối tác thân cận, truyền thống nếu không đảm bảo lợi ích kinh tế hài hoà và giải quyết các quan ngại khác của Hoa Kỳ. Ví dụ, ông Trump đã cảnh báo sẽ áp thuế chung 25% đối với hàng hoá nhập khẩu từ 2 nước thành viên trong Hiệp định giữa 3 nước Bắc Mỹ (USMCA) là Mê-hi-cô và Ca-na-đa nếu các nước này không hợp tác, giải quyết tình trạng về dòng người nhập cư bất hợp pháp qua biên giới hiện nay.
Ông Trump cũng đe dọa sẽ áp bổ sung thêm 10% thuế lên tất cả các sản phẩm của Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ, ngoài các mức thuế hiện hành (mức thuế này thấp hơn đáng kể so với mức 60% được đưa ra trước đây đối với Trung Quốc) nếu Trung Quốc không kiểm soát hiệu quả dòng chảy fentanyl vào Hoa Kỳ.
Ngày 30 tháng 11 năm 2024, Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng cảnh báo về khả năng áp thuế 100% hoặc sẽ dùng nhập khẩu các sản phẩm từ thành viên khối BRICS nếu có bất kỳ động thái làm suy yếu đồng USD trong thương mại quốc tế (thông qua việc tạo ra đồng tiền mới của nhóm BRICS hay thúc đẩy đồng ngoại tệ mạnh thay thế đồng USD). Hiện khối BRICS gồm các quốc gia sáng lập là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi; đầu năm 2024, các nước gồm Iran, UAE, Ai Cập và Ethiopia cũng đã chính thức tham gia khối BRICS.
Mặc dù thẩm quyền cho phép Tổng thống Hoa Kỳ có để áp thuế vẫn chưa được xác định rõ ràng, theo đó, tòa án có khả năng giới hạn các lựa chọn của chính quyền Trump trong việc áp đặt thuế mà không cần sự cho phép của Quốc hội nhưng với quan điểm khuyến khích và bảo vệ nền sản xuất trong nước, không chỉ vì mục đích kinh tế mà còn vì vấn đề an ninh quốc gia Hoa Kỳ, tổng thống đắc cử Donald Trump, trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình, sẽ tập trung vào việc tăng rào cản thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu. Việc đề cử hai người ủng hộ trung thành quan điểm của mình là Howard Lutnick, Tổng giám đốc điều hành của công ty đầu tư Cantor Fitzgerald, làm Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Jamieson Greer, một luật sư thường xuyên đại diện cho các ngành công nghiệp trong nước trong các vụ việc PVTM, làm Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), chính quyền của ông Trump sẽ gia tăng khả năng dùng công cụ thuế quan, trong đó có việc gia tăng áp dụng các biện pháp PVTM để giải quyết các mối quan ngại về kinh tế và các mối quan ngại khác.
Trong năm tài chính 2024 (từ ngày 01 tháng 10 năm 2023 đến ngày 30 tháng 9 năm 2024), DOC đã nhận được 117 đơn kiện mới từ các ngành sản xuất trong nước yêu cầu khởi xướng điều tra CBPG và/hoặc CTC, vượt quá số lượng đơn kiện cao nhất mọi thời đại trước đó được nộp vào năm tài chính 2020. Chỉ trong hai tháng đầu năm tài chính 2025 (bắt đầu từ ngày 01 tháng10 năm 2024), DOC đã nhận được thêm 25 đơn kiện. Con số trên chưa bao gồm các đơn kiện tự vệ do một cơ quan độc lập khác của Hoa Kỳ tiến hành là Ủy ban Thương mại quốc tế - ITC. Phần lớn các vụ việc điều tra của Hoa Kỳ đều dẫn đến kết quả có áp dụng biện pháp.
Trước bối cảnh đó, thông qua trao đổi với một số đối tác, luật sư Hoa Kỳ, Bộ Công Thương nhận định chính sách PVTM của Hoa Kỳ thời gian tới có thể sẽ theo các xu hướng sau: (i) Các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ (bao gồm từ Việt Nam) dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, Tổng thống Hoa Kỳ có thể sẽ ký sắc lệnh tăng cường sử dụng biện pháp ít áp dụng trước đây như tự vệ với mức thuế áp dụng toàn cầu (đã áp dụng với sản phẩm máy giặt và pin năng lượng mặt trời trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump và với xơ sợi staple nhân tạo từ polyester dưới thời Tổng thống Biden). (ii) Đối với dự định áp thuế với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc và điều tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia khác nhưng thực chất lại có xuất xứ từ Trung Quốc, thậm chí tuyên bố sẽ hủy bỏ quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn mà Hoa Kỳ đã cấp cho Trung Quốc khi nước này gia nhập WTO vào năm 2001 (hệ quả Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn đáng kể so với mức thuế tối huệ quốc - MFN mà Hoa Kỳ dành cho các thành viên WTO), nguy cơ hàng hóa từ các nước khác, trong đó có Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM (biện pháp chưa được WTO quy định) có thể gia tăng. Ngoài ra, Hoa Kỳ có thể kết hợp giữa chống lẩn tránh thuế và các Đạo luật có liên quan đến nguồn gốc hàng hóa như Đạo luật chống lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương (UFLPA). Các nhóm sản phẩm mục tiêu của các biện pháp PVTM sắp tới có thể sẽ nhắm tới mặt hàng sử dụng nhiều lao động cũng như sử dụng nguyên liệu đầu vào từ những nước đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Hoa Kỳ (như Trung Quốc). (iii) Với việc đề cử hai ứng cử viên có quan điểm “bảo hộ” giữ chức Bộ trưởng DOC và USTR trong thời gian tới, các chính sách thương mại của Hoa Kỳ nói chung và PVTM nói riêng có thể sẽ mang màu sắc chính trị nhiều hơn là vấn đề kinh tế và kỹ thuật thuần túy. PVTM cũng sẽ là một trong các công cụ hữu hiệu để Hoa Kỳ triển khai các mục tiêu chính sách cụ thể trong thời gian tới. Trong các Hiệp định về PVTM của WTO cũng như của Hoa Kỳ, luôn có những điều khoản cho phép “thỏa thuận” giữa hai bên thông qua việc cam kết giá hoặc biện pháp phù hợp. Việc ứng cử viên USTR vốn là luật sư chuyên đại diện cho các nhà sản xuất trong nước trong các vụ kiện PVTM, dự kiến trong thời gian tới, Hoa Kỳ có thể sử dụng các quy định này để tạo thế đàm phán song phương, yêu cầu quyền lợi trong các biện pháp thuế quan nói chung và PVTM nói riêng…(iv) Các mức thuế nhập khẩu sẽ được áp dụng sẽ được cộng gộp khi nhà nhập khẩu nhập khẩu hàng hóa trong diện bị áp thuế vào Hoa Kỳ. Do đó, mức thuế nhập khẩu sẽ rất cao với những đối tác là mục tiêu của Hoa Kỳ. Các nước có thặng dư thương mại cũng như hàng hóa cạnh tranh trực tiếp với ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ sẽ là đối tượng mục tiêu cao nhất trong các biện pháp thuế quan nói chung và PVTM nói riêng. (v) Đối với WTO, ông Trump cũng đe dọa sẽ rút khỏi Tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu này. Tuy nhiên, trước mắt, Hoa Kỳ có thể tiếp tục ngăn chặn các nỗ lực nhằm hoàn thiện bộ máy bao gồm Cơ quan giải quyết tranh chấp và điểm yêu cầu cải tổ theo hướng có lợi cho Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sẽ có quan điểm cứng rắn, sẵn sàng bảo vệ đến cùng lợi ích của mình nếu các đối tác đưa những biện pháp hạn chế thương mại của Hoa Kỳ ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, thậm chí có thể không tuân thủ các phán quyết của ban hội thẩm hoặc cơ quan phúc thẩm của WTO nếu các phán quyết này bất lợi đối với Hoa Kỳ.
Nhìn chung, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng biện pháp thuế quan mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra khi nhậm chức sẽ được áp dụng một cách trình tự và có mục tiêu rõ ràng nhằm tối đa hóa đòn bẩy đàm phán và thuế quan, đưa hoạt động sản xuất trở lại Hoa Kỳ, từ đó từng bước bảo vệ người tiêu dùng Hoa Kỳ khỏi lạm phát. Theo dự đoán, các biện pháp thuế quan sẽ được áp dụng vào khoảng mùa hè 2025, mức thuế với Trung Quốc sẽ tăng từ 10% - 30% vào cuối năm 2026 - tập trung vào hàng hóa trung gian và hàng hóa vốn nhằm hạn chế tối đa tác động trực tiếp chỉ số giá tiêu dùng. Dự kiến, mức thuế nhập khẩu trung bình của Hoa Kỳ sẽ tăng gấp ba lần lên gần 8% vào cuối năm 2026. Nếu kịch bản này xảy ra, tổng kim ngạch thương mại của Hoa Kỳ trong thương mại toàn cầu sẽ giảm từ 21% xuống còn 18%, kéo theo mức tăng trưởng suy giảm thì tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp cũng gia tăng; tuy nhiên, các chuyên gia nhận định tác động tiêu cực tổng thể từ việc nâng thuế sẽ được xử lý.
Theo nhận định của Bloomberg, với khả năng Hoa Kỳ ưu tiên xử lý thâm hụt cán cân thương mại với các đối tác lớn và tập trung áp thuế quan với hàng hóa trung gian và hàng hóa vốn, thì Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Trung Quốc và đặc biệt Việt Nam là những quốc gia dễ bị tổn thương do tác động tiêu cực từ chính sách thuế của Tổng thống Trump. Theo thống kê, 20% hàng hóa trung gian và gần 50% hàng hóa vốn xuất khẩu của Việt Nam là sang thị trường Hoa Kỳ./.
Trịnh Minh
Tin tức liên quan