Chủ nhật, Ngày 13/04/2025 -

Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội tháng 3 và Quý I năm 2025
Ngày đăng: 07/04/2025  19:38
Mặc định Cỡ chữ
Tăng trưởng GDP Quý I ước đạt 6,93% so với cùng kỳ, là kết quả tích cực, cao hơn kịch bản tại Hội nghị Trung ương 10 (6,2-6,6%) và là mức tăng trưởng Quý I cao nhất từ năm 2020. Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới, khu vực.

Bước vào năm 2025, bối cảnh thế giới rất phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức. Ngay trong các tháng đầu năm đến nay, liên tục xuất hiện nhiều diễn biến mới, khiến tình hình càng trở nên khó khăn, thách thức hơn, như chính sách thuế quan của Mỹ đối với các nước. Một số nước đáp trả mạnh mẽ', có nguy cơ cao “chiến tranh thương mại toàn cầu”. Triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, gia tăng nguy cơ suy thoái toàn cầu; niềm tin, tâm lý kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư suy giảm, nền kinh tế và Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng đó.

 

Trong nước, dù Quý I có nhiều ngày nghỉ lễ nhưng nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, rất đáng khích lệ. Các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực hoàn thành khối lượng lớn công việc; bảo đảm tiến độ sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính; giải quyết từng bước các điểm nghẽn, hạn chế, bất cập nội tại  kinh tế và chủ động nghiên cứu, triển khai toàn diện, đồng bộ nhiều phương án, giải pháp ứng phó với biến động từ bên ngoài.

 

Kết quả đạt được

 

Tăng trưởng GDP Quý I ước đạt 6,93% so với cùng kỳ, là kết quả tích cực, cao hơn kịch bản tại Hội nghị Trung ương 10 (6,2-6,6%) và là mức tăng trưởng Quý I cao nhất từ năm 2020. Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới, khu vực. Khu vực nông, lâm, thủy sản Quý I tăng 3,74% so với cùng kỳ, công nghiệp và xây dựng tăng 7,42% (trong đó công nghiệp tăng 7,32%), dịch vụ tăng 7,67%.

 

Tuy nhiên, tăng trưởng Quý I vẫn thấp hơn kịch bản tại Kết luận số 123-KL/TW (7,7%) do tình hình thế giới nhiều khó khăn, thách thức hơn, trong khi thời gian thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên chưa nhiều, đồng thời triển khai các nhiệm vụ quan trọng, phức tạp về sắp xếp lại tổ chức bộ máy. 

 

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân Quý I tăng 3,22% so với cùng kỳ. Tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp, mặt bằng lãi suất cho vay mới có xu hướng giảm. Thu NSNN Quý I đạt 36,7% dự toán, tăng 29,3% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 38,7% dự toán, tăng 34,5%, bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

 

Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu Quý I lần lượt tăng 13,7%, 10,6% và 17% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 3,16 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng kỷ gần 11 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ; vốn thực hiện đạt gần 5 tỷ USD, tăng 7,2%. Các cân đối lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt.

 

Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì đà tăng trưởng tích cực. Khu vực nông nghiệp, dịch vụ đạt tốc độ tăng khá, bám sát kịch bản; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Quý I tăng 9,9% so với cùng kỳ, thu hút khách du lịch quốc tế đạt trên 6 triệu lượt người, tăng 29,6%. Công nghiệp chế biến, chế tạo Quý l ước tăng 9,28%, duy trì tăng trưởng tích cực theo kịch bản (9,8%) và tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Theo khảo sát Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3, nhiều doanh nghiệp đã gia tăng sản xuất, đẩy nhanh tiến độ các đơn hàng xuất khẩu để ứng phó với trường hợp Việt Nam bị Mỹ áp thuế.

 

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội Quý I tăng 8,3% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều tốc độ tăng Quý I năm 2024 (5,5%); trong đó, vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước tăng 13,7%, gấp 3 lần tốc độ tăng cùng kỳ Quý I năm 2024 (4,5%).

 

Quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh các dự án hạ tầng trọng điểm; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chi đạo quyết liệt các bộ, ngành nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế, pháp luật; khẩn trương xử lý các kiến nghị của địa phương. Trong tháng 3/2025 đã có 07 Đoàn kiểm tra của Lãnh đạo Chính phủ và 24 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ đã kiểm tra, làm việc với hơn 30 địa phương, từng dự án trọng điểm để đôn đốc tiến độ; Ban chỉ đạo 1568 tích cực triển khai hoạt động để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án.

 

Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách giảm thuế GTGT, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; chủ động triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ và thúc đẩy sản xuất trong nước.

 

Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; triển khai quy hoạch, sửa đổi Quy hoạch Điện VIII; triển khai Nghị quyết số 57NQ/TW, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện Đề án 06...

 

Chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hoá, xã hội, du lịch, thể thao, thông tin, truyền thông. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong Quý I đã hỗ trợ vay vốn cho trên 530 nghìn đối tượng, tạo việc làm cho gần 180 nghìn lao động. Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát tiếp tục được triển khai mạnh mẽ; đến nay, cả nước đã hỗ trợ xóa trên 168 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát, trong đó khánh thành 81,6 nghìn căn nhà. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm Quý I lần lượt là 2,2% và 1,72%, giảm so với cùng kỳ; thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,3 triệu đồng/tháng, cao hơn quý trước và cùng kỳ năm trước.

 

Nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước được tổ chức gắn với thúc đẩy du lịch; các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được tích cực chuẩn bị.

 

Ngành giáo dục bảo đảm chất lượng dạy và học, chuẩn bị kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2025; tập trung triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW, Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

 

Ngành y tế tập trung làm tốt công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đẩy nhanh thực hiện tiêm chủng vắc-xin phòng, chống bệnh sởi; bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân, nhất là trong dịp Tết...

 

Tổ chức bộ máy của Chính phủ, các bộ, cơ quan trong Quý I đã được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định, hiệu quả, làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

 

Ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; tình hình an ninh, trật tự cơ bản ổn định; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; phòng, chống cháy nổ...

 

Đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai chủ động, toàn diện, hiệu quả. Tổ chức thành công đoàn công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm sang Indonesia, thăm chính thức Ban Thư ký ASEAN và Singapore; tiếp đón các đoàn lãnh đạo cấp cao của Brazil, Bỉ...; Thủ tướng Chính phủ khai mạc và tham dự Diễn đàn tương lai ASEAN 2025; gặp gỡ, trao đổi với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; gặp gỡ đại diện 21 trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ, mở ra quan hệ hợp tác mới về công nghệ, giáo dục...

 

Về một số khó khăn, thách thức

 

Những khó khăn, thách thức, biến động chung của thế giới, khu vực tác động ngày càng lớn đến KTXH nước ta. Trong đó, nổi lên 04 vấn đề lớn sau:

 

Các động lực tăng trưởng nguy cơ suy giảm, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 gặp thách thức nặng nề hơn. Nếu bị áp mức thuế 46% trên diện rộng, xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị tác động mạnh, lây lan ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, doanh nghiệp, thu hút FDI, đầu tư tư nhân, tiêu dùng, lao động việc làm trong nước... Theo kết quả khảo sát sơ bộ của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp đánh giá 05 nhóm hàng chịu tác động lớn nhất là: (i) điện tử, máy tính; (ii) dệt may, da giày; (iii) gỗ và sản phẩm từ gỗ; (iv) thủy sản; (v) máy móc, thiết bị. Đây cũng là các nhóm ngành hàng sử dụng nhiều lao động và có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ. Trong ngắn hạn, mức độ tác động có thể chưa rõ nét, do nhiều doanh nghiệp đã chủ động đẩy mạnh xuất khẩu, tích trữ hàng hóa sang Mỹ trong các tháng trước. 

 

Cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm đã mở ra dư địa và thời gian để đàm phán với Mỹ, nhưng cần triển khai rất khẩn trương, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực ngoại giao, thương mại... và chủ động nghiên cứu, chuẩn bị ban hành ngay các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp Mỹ vẫn áp mức thuế cao đối với Việt Nam, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến kinh tế, tâm lý của thị trường, nhà đầu tư và dòng tiền của doanh nghiệp.



Nguồn lực tài nguyên, khoáng sản chưa được khai thác hiệu quả cho tăng trưởng. Công nghiệp khai khoáng Quý I giảm 5,76% so với cùng kỳ (kịch bản giảm 1,2%); sản xuất điện, khí đốt tăng 4,6% (kịch bản tăng 10,7%).

 

Ổn định kinh tế vĩ mô đối diện với rủi ro gia tăng. Điểu hành tỷ giá gặp sức ép lớn do nguy cơ suy giảm thặng dư thương mại, cán cân thanh toán, cán cân vãng lai. Do đó, mục tiêu ưu tiên là cần giữ ổn định tỷ giá phù hợp để ổn định tâm lý thị trường, nhà đầu tư, hạn chế áp lực tăng chi phí nhập khẩu, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

 

Việc hoàn thiện thể chế, pháp luật mặc dù đã được quan tâm, chỉ đạo, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Một số quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn gây khó khăn, phiền hà, làm phát sinh thời gian, chi phí tuân thủ không cần thiết cho người dân, doanh nghiệp; cần sớm được sửa đổi hoặc loại bỏ. Một số dự án bị đình trệ, chậm tiến độ, các vướng mắc pháp lý cần đẩy nhanh tháo gỡ sớm được triển khai, hoàn thành đi vào sử dụng.

 

Đời sống của một bộ phận người dân, người lao động dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng, thu hẹp. Đây là vấn đề cần lưu ý để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Biến đổi khí hậu, thời tiết, thiên tai, lũ lụt diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề. Tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở một số địa bàn diễn biến phức tạp./.

 

                                                                                          Trịnh Minh