Chủ nhật, Ngày 13/04/2025 -
Trên mạng lưới đường bộ đã rà soát có 5.209 cụm nút giao đèn tín hiệu giao thông (chưa tính 13 địa phương chưa báo cáo). Trong đó:
Đã bàn giao cho Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) 3.439 cụm;
Chưa bàn giao 1.770 cụm;
Thông qua rà soát đã phát hiện 586 cụm đèn có bất cập, đến nay đã xử lý xong 139 cụm, còn 447 cụm đang tiếp tục khắc phục.
Tính riêng trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng (bao gồm cả các quốc lộ thuộc đối tượng phân cấp nhưng chưa hoàn thành bàn giao cho UBND cấp tỉnh quản lý theo quy định của Nghị định số 165/2024/NĐ-CP) có 1.864 cụm đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao (bao gồm của các Khu Quản lý đường bộ quản lý 1.082 cụm và các Sở Xây dựng được ủy quyền quản lý 782 cụm trên các tuyến Quốc lộ). Trong đó: Đã bàn giao cho Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) 986 cụm; Chưa bàn giao 878 cụm.
Thông qua rà soát đã phát hiện 447 cụm đèn có bất cập, đến nay đã xử lý xong 83 cụm, còn 364 cụm đang tiếp tục khắc phục.
Kết quả rà soát hệ thống đèn tín hiệu giao thông do 50 địa phương đã gửi số liệu báo cáo, trên hệ thống đường địa phương có bố trí 3.253 vị trí nút giao đèn tín hiệu giao thông, trong đó: Đã bàn giao cho Lực lượng CSGT: 2.394 cụm; Chưa bàn giao: 859 cụm.
Thông qua rà soát, đã phát hiện 139 cụm đèn tín hiệu có bất cập về tổ chức giao thông, đến nay đã khắc phục 56 cụm, còn 83 cụm đang tiếp tục khắc phục.
Nguyên nhân chưa hoàn thành bàn giao các cụm đèn tín hiện cho Lực lượng CSGT và bất cập về kỹ thuật tại các cụm đèn tín hiệu giao thông:
Việc chưa hoàn thành bàn giao các cụm đèn tín hiệu (1.770 cụm) trên quốc lộ là do phần lớn các cụm đèn này tại các nút giao đường địa phương (đường nhánh) giao cắt với quốc lộ và do UBND các cấp, Ban ATGT tỉnh, cơ quan khác của địa phương thực hiện đầu tư bằng vốn của địa phương, vốn xã hội hóa và do lực lượng chức năng của địa phương đang quản lý, vận hành, khai thác. Do đó cần hoàn thiện các thủ tục để tiếp tục bàn giao.
Các nguyên nhân khác: Đối với các đèn tín hiệu giao thông hư hỏng, bất cập, các cơ quan quản lý đường bộ tiếp tục phải hoàn thành việc sửa chữa theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 165/2024/NĐ -CP trước khi bàn giao cho Lực lượng CSGT; một số địa phương (ví dụ Sở Xây dựng Sóc Trăng) phản ánh việc bàn giao đèn tín hiệu giao thông hiện đang chờ việc phân công nhiệm vụ đối với cơ quan sau khi sắp xếp lại tổ chức.
Các hư hỏng, bất cập tại các cụm đèn tín hiệu giao thông bao gồm:
Cụm đèn có thời gian khai thác, sử dụng trên 05 năm, chịu tác động của nắng, mưa, gió, bão và các yếu tố thời tiết dẫn đến tín hiệu xanh, đỏ hoạt động chập chờn, không ổn định.
Hệ thống cấp điện bị hư hỏng, gồm hỏng tủ điện, hư hỏng bộ phận hoặc ắc quy cũ dẫn đến tín hiệu đèn bị yếu.
Đèn tín hiệu và đèn đếm ngược bị hư hỏng do khai thác, do tai nạn giao thông; bóng đèn bị cháy; nhiều cụm đèn chưa có đèn đếm ngược thời gian.
Thiếu đèn tín hiệu chỉ dẫn cho người đi bộ tại nút giao hoặc có nhưng đã hỏng không hoạt động.
Vị trí đặt cột đèn tín hiệu không hợp lý, bị che khuất.
Hư hỏng, bất cập khác chưa hoàn thành khắc phục.
Kết quả rà soát hệ thống biển báo hiệu đường bộ
Các bất cập biển báo hiệu đường bộ trong cả nước như sau (chưa tính 13 địa phương chưa gửi báo cáo):
Số liệu tổng hợp cả nước có 6.962 biển báo hiệu có bất cập trên toàn bộ mạng lưới đường bộ, trong đó: Số biển báo đường bộ bất cập đã được xử lý vừa qua: 4.386 biển; Số biển báo đường bộ bất cập nhưng chưa được xử lý: 2.576 biển.
Số liệu biển báo bất cập trên các quốc lộ, đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng (gồm cả các quốc lộ đang làm thủ tục chuyển cho các địa phương quản lý theo phân cấp, phân quyền của Luật Đường bộ và Nghị định số 165/2024/NĐ-CP): Tổng số biển báo đường bộ có bất cập: 3.559 (968 biển trên đường do các Khu, VEC, BOT và 2.591 biển trên quốc lộ do các Sở XD quản lý). Số biển báo đường bộ bất cập đã được xử lý: 2.602 biển (321 biển do các Khu, VEC, BOT và 2.281 biển trên quốc lộ do các Sở XD quản lý). Số biển báo đường bộ bất cập chưa được xử lý: 957 biển (647 biển trên đường do các Khu, VEC, BOT quản lý và 310 biển trên quốc lộ do các Sở XD quản lý).
Ngoài ra, thực hiện kế hoạch bảo trì KCHT quốc lộ năm 2024, các đơn vị quản lý đường quốc lộ ở Trung ương đã thực hiện các dự án sửa chữa, trong đó đã tiến hành thay thế, bổ sung rất nhiều biển báo hiệu, vạch sơn kẻ đường trên các quốc lộ và đường cao tốc. Năm 2025, các đơn vị thực hiện kế hoạch bảo trì được giao tiếp tục xử lý rất nhiều biển báo hiệu đường bộ, điều chỉnh, bổ sung sơn kẻ đường bộ. Đồng thời thực hiện vệ sinh bề mặt, sửa chữa các hư hỏng báo hiệu đường bộ trong quá trình khai thác bảo đảm người tham gia giao thông dễ nhìn, dễ quan sát báo hiệu đường bộ để tham gia giao thông được an toàn.
Kết quả rà soát hệ thống biển báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường địa phương do 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo như sau:
Tổng số biển báo đường bộ có bất cập: 3.403 biển;
Số biển báo bất cập đã được xử lý vừa qua: 1.784 biển;
Số biển báo đường bộ bất cập nhưng chưa được xử lý: 1.619 biển.
Nguyên nhận của các tồn tại, bất cập chủ yếu của hệ thống biển báo hiệu đường bộ:
Kể từ ngày 01/01/2025, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ - QCVN41:2024/BGTVT (được ban hành tại Thông tư số 51/2024/TT-BGTVT) có hiệu lực thi hành, do đó phát sinh bất cập do các biển báo hiệu đường bộ trước đây lắp đặt trên đường bộ theo Quy chuẩn cũ (QCVN41:2019/BGTVT hoặc QCVN41:2016/BGTVT) không còn phù hợp, cần thay thế để phù hợp với Quy chuẩn báo hiệu đường bộ năm 2024.
Các tồn tại, bất cập khác đối với hệ thống biển báo hiệu đường bộ:
Một số biển báo lắp đặt tại các vị trí không hợp lý, cần di chuyển sang vị trí khác để đảm bảo hợp lý về tổ chức giao thông.
Một số vị trí đã bố trí đủ biển báo trên các cột biển báo, nhưng hiện nay lưu lượng và mật độ phương tiện tham gia giao thông càng tăng, do đó người điều khiển phương tiện khó quan sát biển báo hiệu. Do đó cần đưa các biển báo này lên các giá long môn hoặc cần vươn để người tham gia giao thông dễ quan sát; tại các vị trí có trên 03 biển báo/01 cột thì cần đưa các biển lên giá long môn theo Quy chuẩn về báo hiệu đường bộ.
Nhiều trường hợp biển báo đã sử dụng nhiều năm, bề mặt biển báo và các ký hiệu, hình vẽ trên biển báo bị mờ, độ phản quang giảm, do đó cần sửa lại bề mặt biển báo, dán lại màn phản quang để tăng cường việc nhận biết.
Biển báo bị cây, chướng ngại vật che khuất; một số vị trí đặt biển báo phụ có nhiều thông tin, gây khó khăn cho người tham gia giao thông đọc các thông tin trên biển báo phụ./.
Trịnh Minh
Tin tức liên quan