 |
Mái nhà Rông của người Ba Na làng Kon Rờ Bàng (Vinh Quang - Kon Tum). |
Người Ba Na ở Việt Nam có dân số 227.716 người, cư trú tại 51 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, trong đó cư trú tập trung tại Kon Tum 56.183 người (theo số liệu thống kê của Cục Thống kê Kon Tum tính đến 31.12.2010). Chiếm 23,7 % tổng số người Ba Na tại Việt Nam và 12,5 % dân số toàn tỉnh Kon Tum. Dựa vào địa giới là chân đèo Mang Yang (An Khê, Gia Lai), người Ba Na được chia thành 2 nhóm là: Ba Na Ala Công (người Ba Na dưới núi) Ba Na Kpăng Công (người Ba Na trên núi). Người Ba Na tại Kon Tum thuộc nhóm Ba Na Kpăng Công bao gồm: Ba Na Kon Tum ở xung quanh thị xã Kon Tum, Ba Na Rơ Ngao ở Đăk Tô, Ba Na Giơ lơng ở Kon Plông, thành phố Kon Tum. Trai gái Ba Na khi đến tuổi 16 thì làm lễ trưởng thành thông qua tục cà răng (ot xơ nenh) và có thể bắt đầu tìm hiểu nhau. Trong trường hợp đôi trai gái tự quyết hôn nhân thì được gọi là chărơihkơ ding (hôn nhân tự chọn); còn nếu cha mẹ quyết định hôn nhân của con cái thì gọi là mẽ bă pơ giao ăn (cha mẹ gả bán). Đối với người Ba Na, sự chênh lệch tuổi tác giữa nam và nữ không phải là điều kiện quan trọng, thậm chí có những cô gái hơn chàng trai đến mấy tuổi, họ vẫn đi đến hôn nhân và được sự đồng ý, chúc phúc của cả dân làng. Để gây dựng gia đình, đôi nam nữ buộc phải trải qua 2 lễ lớn là lễ “pơ xít” và lễ “pơ koong”.
1. Quá trình tiến hành Lễ cưới
*Lễ “pơ xít”
Khi tình yêu giữa cô gái và chàng trai Ba Na đã chín muồi, muốn về với nhau cùng một nhà, thì trước hết phải làm lễ “pơ xít” (cũng có nơi gọi là lễ “et tơ gai” nghĩa là “trao vòng”), tương tự như lễ đính hôn của người Kinh. Nếu cả đôi bên gia đình ưng thuận, nhà trai sẽ tìm một người đàn ông có đạo đức tốt, được dân làng tin yêu, mến phục để làm “pơ ngai tơ roong” (ông mối). Chọn ngày lành tháng tốt, dưới sự chủ trì của ông mối, nhà trai sẽ mời nhà gái đến, cùng chứng kiến lễ trao vòng của đôi trẻ. Theo phong tục lâu đời, chàng trai trao cho cô gái chiếc vòng nhôm, cô gái trao cho chàng trai chiếc vòng đồng. Thêm vào đó, vật đính hôn của chàng trai cho cô gái còn thêm một chuỗi hạt cườm đeo cổ và một số kỷ vật do chính tay mình làm ra. Từ khi trao vòng, dân làng sẽ xem như chàng trai và cô gái có sự gắn kết chặt chẽ, không được có tình cảm với người khác. Nếu một trong hai bên hủy bỏ hôn ước, họ phải nộp cho ông mối một con gà, phải trả lại vòng và bồi thường danh dự cho bên kia bằng một số lễ vật theo quy định.
 |
Lễ trao vòng của Y Phiêu và A Nheo
(làng Kon Rờ Bàng - Vinh Quang, Kon Tum).
|
*Lễ “pơ koong”
Sau lễ trao vòng, ông mối và gia đình hai bên lại bàn bạc, ấn định ngày tiến hành lễ “pơ koong” (cũng có nơi gọi là lễ “et hơ ok” nghĩa là “lễ cưới”) cho đôi trẻ. Lễ cưới được xem như ngày hội của làng, thường tiến hành vào cuối năm, khi thu hoạch mùa màng xong, dân làng đang lúc nông nhàn, thóc gạo, gia súc đã được chuẩn bị đầy đủ. Nghi lễ trọng đại trong cuộc đời đôi trai gái được tổ chức ngày giữa tháng, ngày trăng tròn - thời điểm được coi là may mắn nhất. Lễ vật bao gồm: một ché rượu cần, một con gà với bộ gan luộc chín và một đĩa tiết sống. Trong không khí trang nghiêm, trước sự chứng kiến của dân làng và hai họ, già làng đọc bài khấn, nhờ thần linh chứng giám cho đôi trẻ trở thành vợ chồng, rồi lấy tiết gà bôi lên đầu cô dâu và chú rể. Tiếp đó, ông mối cầm tay có đeo vòng của đôi tân hôn chạm vào nhau, chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ, đưa cho hai người ăn chung một đùi gà, một miếng gan gà, uống chung một bát rượu cúng. Sau nghi lễ ở nhà Rông, đám cưới được tiếp tục tại hai gia đình với sự góp vui của toàn thể dân làng. Rượu cần và thức ăn được bày ra để thiết đãi toàn thể dân làng, cô dâu, chú rể sẽ mời rượu để tỏ lòng cảm ơn dân làng đã đến chung vui với đôi vợ chồng trẻ. Buổi tối, ông mối dắt cô dâu về nhà trai, giao cho chú rể và tự tay trải chiếu cho đôi tân hôn. Ngày hôm sau, hai gia đình thông gia lần lượt mời ông mối đến nhà để cám ơn và trả công theo phong tục.
 |
Một đôi vợ chồng trẻ người Ba Na vừa tổ chức Lễ cưới vào tháng 3/2012. |
Đối với người Ba Na, hôn nhân một vợ một chồng luôn mang tính phổ biến và bền vững, họ đề cao trinh tiết và lòng chung thủy. Dù cho hôn nhân theo chărơihkơ ding hay mẽ bă pơ giao ăn thì họ vẫn chung sống với nhau thuận hòa đến lúc đầu bạc răng long. Chỉ có một số ít trường hợp li dị là do người vợ vô sinh, đàn ông ngoại tình hay có những bất hòa không giải quyết được dẫn đến chửi mắng, đánh đập nhau. Trước đây, việc giải quyết vấn đề li dị của các cặp vợ phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng già làng nhưng hiện nay phải được đưa ra xử lý theo pháp luật Nhà nước.
Sau khi cưới xong xong, vợ chồng trẻ sẽ về sống cùng với bố mẹ chồng hai năm, hết hai năm này họ lại chuyển về nhà bố mẹ vợ sống. Chuyển qua chuyển lại như vậy cho đến khi họ cảm thấy đủ khả năng dựng nhà, tách hộ thì mới xin ra sống riêng.
 |
Đám cưới của chị Y Phiêu và anh A Nheo vào tháng 4/2011. |
Ở một số nơi khác, như người Bana Sơ Ró (Kông Chro - Gia Lai) lại có tục lệ hôn nhân khá đặc biệt. Khi trai gái muốn về sống chung với nhau, thì cả hai bên đều phải lần lượt tổ chức đám cưới chứ không cùng tổ chức một ngày như người Ba Na Kon Tum. Nhà trai sẽ tổ chức đám cưới trước trong một ngày, mời bà con trong làng đến ăn uống, cùng nhảy múa, hát hò. Sáng hôm sau, nhà trai tiễn nhà gái về để họ làm lễ cưới, tiếp tục chiêu đãi bà con dân làng. Người Ba Na Sơ Ró có quan niệm làm đám cưới 2 lần như thế để đảm bảo tính công bằng trong xã hội. Đồ lễ vẫn là heo, gà, rượu, cơm… ai giàu thì chuẩn bị nhiều lễ vật, tùy theo khả năng của mình.
2. Các trường hợp bị phạt vạ của làng
Phạm tội loạn luân: Nếu đôi bên nam nữ thuộc họ gần (krung ktum gel), tức là con cháu trong vòng ba đời của một ông bà tổ, bao gồm cả bên cha và bên mẹ thì nhất định không được dân làng chấp nhận hôn nhân. Nếu ai vi phạm quy định đó tức đã mắc tội loạn luân (hagăm) vì cho rằng họ khiến thần linh nổi giận gây ra các tai họa để trừng phạt cả làng như cháy làng, dịch bệnh, mất mùa... Gia đình đôi trai gái nào để xảy ra chuyện này sẽ bị cả dân làng bêu rếu, bắt vạ. Họ phải chuẩn bị nhiều lễ vật để làm lễ tạ tội với thần linh, mong thần linh tha tội, dân làng được sống bình yên. Đôi trai gái vi phạm phải lấy máu của con trâu được giết để cúng Giàng, hòa cùng với rượu, mang đến quết lên chân cầu thang từng nhà trong làng với ngụ ý xua đuổi, tẩy uế mọi rủi ro tai họa. Còn nếu đôi trai gái thuộc họ xa (krung ktum gel), tuy dân làng không vui vẻ nhưng cũng có thể lấy được nhau. Họ phải nhờ chủ làng đứng ra tổ chức một lễ cúng nhỏ trước sự chứng kiến của dân làng, để tạ lỗi với tổ tiên, từ đó mới coi là không phạm tội loạn luận, và có thể tiến hành lễ cưới. tức là con cháu từ đời thứ bốn trở lên và bị làng xử phạt rất nặng
Trai gái chưa cưới xin có quan hệ với nhau và có con: người Ba Na cho rằng điều này đã làm ảnh hưởng đến thần đất, thần lúa nên buộc phải tiến hành lễ cúng phạt trước khi trỉa lúa nếu không dân làng sẽ mất mùa, đói kém. Vào ngày tổ chức nghi lễ, những con vật hiến sinh được giết thịt lấy máu trộn với rượu, đem bôi lên cầu thang các nhà trong làng, mong thần lúa, thần đất tha thứ cho lỗi lầm. Sau nghi lễ, người con trai phải cưới cô gái làm vợ và chăm sóc, nuôi dưỡng đứa. Nếu đã bị phát hiện và thừa nhận là cha của đứa trẻ mà không cưới cô gái và không chịu chăm sóc đứa trẻ, ngoài việc nộp phạt cho làng, chàng trai còn phải đền cho cô gái một số lễ vật giá trị. Trong trường hợp người con gái có chửa mà không chịu khai ra bố của đứa trẻ thì cô ta sẽ phải chịu trách nhiệm tiến hành lễ tạ tội một mình.
3. Luật tục đối với người góa vợ, góa chồng.
Theo phong tục truyền thống của người Ba Na làng Kon Rờ Bàng (Vinh Quang, Kon Tum) những trường hợp chồng hay vợ chết sớm mà chưa làm lễ bỏ mả, người goá có thể tái giá, nhưng trước đó phải tiến hành một lễ cúng với lễ vật gồm một ghè ruợu, một con gà. Thời gian sớm nhất có thể thực hiện nghi lễ này là 3 năm sau khi người chồng hoặc người vợ mất đi, nếu có quan hệ trai, gái trước khi thực hiện nghi lễ, người đó sẽ bị làng phạt một bò làm lễ cúng. Sau khi người mẹ chết, nếu bố lấy vợ mới, con cái thường không ở với bố và mẹ kế mà về sống với ông bà nội. Chỉ khi ông bà nội cũng đã mất, không còn nơi nương tựa, con của người vợ trước mới ở chung với người vợ sau của bố.
 |
Dưới mái nhà Rông làng Kon Rờ Bàng, cụ bà Y Trăng - 70 tuổi, kể chuyện phong tục cưới xin của người Ba Na Kon Tum. |
Cùng với sự nhạt nhòa của chế độ mẫu hệ, chuyển dần sang chế độ phụ hệ, nếp sống nơi bản làng người Ba Na Kon Tum cũng có nhiều thay đổi, luật tục cưới xin đã được giảm xuống, không còn cầu kì và kéo dài như trước đây. Tuy nhiên, những nét chính của Luật tục cưới xin vẫn còn được gìn giữ, là vốn quý cho con cháu, khơi lên lòng tự hào về nền văn hóa mà ông gia đã dày công gây dựng và giữ gìn.
Hà Oanh