 |
Chị Y Găng với mô hình VAC của gia đình |
Sau khi lập gia đình, ba mẹ cho vợ chồng ra ở riêng, của hồi môn là 3 ha đất rẫy. Chị Y Găng - dân tộc Giẻ - Triêng ở làng Đăk Ba, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cùng chồng bắt đầu "khởi nghiệp" với 2 ha mì, 1 ha bời lời và chăn nuôi heo thịt.
Có chút vốn trong tay, chị bàn với chồng mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình theo mô hình VAC (vườn - ao - chuồng). "Mình nói với chồng là trồng mì bấp bênh, năm được giá, năm mất giá nên chi tiêu tiết kiệm mới đủ ăn. Giờ phải trồng thêm cao su, cà phê; nuôi thêm heo, thêm cá mới làm giàu được" - Chị Y Găng bộc bạch.
Được sự giúp đỡ của chồng, chị Y Găng đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng trồng được 500 cây cao su, đến nay cao su đã cho khai thác; đầu tư 30 triệu đồng đào 2 ao cá nuôi cá trắm, cá rô phi và cá chép; đầu tư 160 triệu đồng mua heo giống mở rộng quy mô chăn nuôi.
"Trước kia gia đình mình còn khó khăn lắm. Để thoát đói nghèo cả gia đình đã phải cố gắng rất nhiều mới xây dựng được trang trại này. Giờ thì đời sống gia đình khá ổn định rồi, nguồn thu nhập tốt hơn rất nhiều" - Chị Y Găng vui vẻ nói.
Với ý chí nỗ lực phấn đấu vươn lên, mạnh dạn tiên phong vay vốn đầu tư, xây dựng mô hình VAC phát triển kinh tế đã đem lại nguồn thu cho gia đình mỗi năm vài trăm triệu đồng.
Không bằng lòng với những gì đã làm được, hiện chị đang tiếp tục đầu tư trồng thêm 1ha cà phê; mở rộng quán bán tạp hóa và đứng ra thu mua nông sản cho bà con trong làng vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình, vừa giúp bà con không bị tư thương ép giá.
Chị Y Chơn - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đăk Dục nhận xét: "Chị Y Găng là một hội viên trẻ tích cực, là tấm gương tiêu biểu để chị em phụ nữ hội viên trên địa bàn xã Đăk Dục học tập. Chị đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn của gia đình, vốn vay ngân hàng chính sách xã hội đầu tư xây dựng mô hình VAC đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình".
"Từ mô hình kinh tế của chị Y Găng, trong thời gian tới Hội vận động chị em học tập mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện thực tế để phát triển kinh tế gia đình. Hội sẽ đứng ra tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội để chị em được vay vốn làm ăn, nâng cao nguồn thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống". - Chị Y Chơn cho biết thêm.
Chị Y Hiệp (áo tím) tuyên truyền cho bà con Brâu làng Đăk Mế.
Về làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi vào một chiều muộn, hỏi chị Y Hiệp ai cũng biết. "Hỏi Nàng Hiệp hả? Giờ nó không có nhà đâu. Nó lại đi vào làng tuyên truyền vận động bà con rồi" - Tiếng cụ già văng vẳng xa dần.
Người Brâu ở làng Đăk Mế vẫn gọi chị Y Hiệp với cái tên thân thương là Nàng Hiệp, bởi nhờ gần 16 năm làm cộng tác viên DS-KHHGĐ, lại vừa đảm nhiệm nhiệm vụ y tế thôn bản mà chị đã làm đổi thay cuộc sống của biết bao người dân nơi đây và cả làng Đăk Mế.
Đôi chân của Y Hiệp không còn chỗ nào trong làng Đăk Mế là chưa đặt tới. Nhờ Nàng Hiệp nỗ lực tuyên truyền mà nay mỗi khi đau ốm, bà con đã bắt đầu biết lên trạm y tế xã khám bệnh, không còn cúng gà, cúng heo theo phong tục để chữa bệnh như ngày xưa.
Chị Y Viên, làng Đăk Mế giãi bày: Trước kia mang bầu hai thằng cu không biết uống thuốc, tiêm phòng, khi trở dạ thì sinh luôn ở nhà. Nhờ Nàng Hiệp tuyên truyền mà giờ nhiều bà mẹ mang thai biết uống thuốc sắt, uống canxi; rồi sinh con, con được tiêm phòng khỏe mạnh ít bị đau ốm.
Chị Y Hiệp tâm sự: "Trước đây tuyên truyền cho bà con khó khăn lắm, bởi phong tục tập quán lâu đời rồi, khó mà thay đổi ngay được. Ngày trước, ốm đau có mang ra bệnh viện đâu, có cho uống thuốc đâu, chỉ mời thầy cúng về cúng hết ngày này qua ngày khác. Tới tuyên truyền, khuyên họ, họ còn đuổi, còn nói nặng lời. Nhưng mình quyết tâm không từ bỏ. Rồi 1, 2 người nghe, thấy hiệu quả rồi dần dần nhiều người đã nghe mình nói và làm theo hướng dẫn của mình".
"Giờ thì mừng lắm rồi. Bà con nhận thức cao hơn nhiều rồi. Họ đã biết ốm đau phải đến Trung tâm Y tế xã, biết mua thuốc, biết cách phòng bệnh; mừng nhất là mấy bà mẹ trẻ giờ mang thai đều biết cách chăm sóc thai kỳ như đi tiêm phòng uốn ván đầy đủ, uống bổ sung sắt, can xi; trẻ dưới 5 tuổi được đưa đến Trạm Y tế xã tiêm phòng đầy đủ, cân đo rồi kiểm tra về dinh dưỡng cho trẻ".
Công việc nương rẫy bận rộn, nên thời gian tuyên truyền của chị Y Hiệp thường là sau bữa cơm tối. Chị tới với bà con như người chị, người em, người con trong gia đình. Ngoài ra, chị còn tranh thủ vào mỗi sáng thứ 2 đầu tuần khi bà con trong làng tập trung chào cờ để tuyên truyền. Chị đặc biệt chú ý tới những chị em mang thai, trẻ sơ sinh để kịp thời nhắc nhở, vận động đi tiêm phòng đầy đủ. Hiện gần 100% chị em phụ nữ làng Đăk Mế đã sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; duy trì khoảng cách giữa các lần sinh khá xa... nhằm đảm bảo sức khỏe cho mẹ và em bé; 100% trẻ trong độ tuổi tiêm chủng được tiên vắc - xin đầy đủ.
Ông Tống Văn Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Bờ Y phấn khởi: Có thể khẳng định trong sự phát triển của làng Đăk Mế, xã Bờ Y hiện nay có công rất lớn của chị Y Hiệp. Với vai trò là y tế thôn bản, chị đã rất trách nhiệm, nhiệt tình trong việc tuyên truyền, vận động bà con về công tác chăm sóc sức khỏe, về kế hoạch hóa gia đình, về nuôi con khỏe, dạy con ngoan... Trước đây, bà con thường xuyên uống nước lã được lấy từ sông, suối về; ngủ thì không có mùng nên ốm đau, bệnh tật suốt, ảnh hưởng rất lớn đến việc lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình".
Với những nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động và nêu gương sáng, chị Y Hiệp vừa vinh dự là 1 trong 7 đại biểu của tỉnh Kon Tum được chọn tham dự Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu người DTTS toàn quốc năm 2017 vào cuối tháng 12 vừa qua./.
Bài, ảnh: Dương Nương