 |
Vườn cà phê của A Biểu (mũ vải) |
Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, năm 2012, chàng thanh niên A Biểu ở Plei Ia Xiêng, xã Rờ Kơi đã mạnh dạn đăng ký vay 30 triệu đồng để đầu tư trồng 02ha cao su, 01ha rẫy còn lại gia đình trồng mì để lấy ngắn nuôi dài. Năm nay, gia đình anh đã bắt đầu có được nguồn thu từ vườn cao su.
Năm 2015, sau khi trả hết vốn vay ban đầu, cùng với tiền tiết kiệm được, anh A Biểu tiếp tục đăng ký vay thêm vốn từ Đoàn thanh niên xã do NHCSXH huyện Sa Thầy ủy thác để đầu tư, chuyển đổi 01ha mì còn lại sang trồng cà phê. Từ vườn cao su đang thu mủ và vườn cà phê chuẩn bị cho thu hoạch, gia đình anh quyết tâm phấn đấu thoát nghèo trong năm nay.
"Trước kia gia đình rất là khó khăn, muốn trồng cây cà phê nhưng không có vốn vay. Sau khi được nhà nước cho vay vốn từ ngân hàng, mình đã đầu tư trồng 01ha cây cà phê. Hiện tại cà phê phát triển rất tốt. Mình có mong muốn được Nhà nước tiếp tục cho vay vốn để trồng thêm cao su, bời lời, để phát triển thêm kinh tế gia đình"- A Biểu, ở làng Plei Ia Xiêng, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy bộc bạch.
Năm 2017, nhờ 30 triệu nguồn vốn vay ưu đãi cho thanh niên thuộc hộ nghèo, và gom góp được một số vốn từ vườn cao su của bố mẹ, A Lâu ở Plei Đăk Đe, xã Rờ Kơi đã đầu tư trồng 500 gốc cà phê, mua 03 con bò và đào 02 ao cá , xây dựng mô hình VAC. Cuối năm vừa rồi, chỉ riêng từ 02 ao cá, anh đã thu được hơn 20 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, từ số tiền còn lại, năm nay anh đang tiếp tục mở rộng trồng thêm 500 cây để từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
A Lâu tâm sự: "Nhờ được tiếp cận nguồn vốn của ngân sách nhà nước qua kênh thanh niên Huyện đoàn Sa Thầy ủy thác cho thanh niên vay, thanh niên chúng tôi đã có vốn đầu tư mua cây, con giống như cà phê, cao su, đào ao thả cá, chăn nuôi bò. Gia đình chúng tôi đã cải thiện hơn về cuộc sống, thu nhập. Mong muốn trong tương lai tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn ngân sách của nhà nước để mở rộng thêm diện tích trồng cao su và cà phê để có thu nhập ổn định hơn".
Không chỉ riêng xã Rờ Kơi, trước kia, khi chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều thanh niên vùng DTTS vẫn loay hoay để tìm hướng phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình. Những năm gần đây, nhờ được sự ủy thác của NHCSXH huyện, Đoàn thanh niên xã đã tạo điều kiện, hướng dẫn thanh niên mạnh dạn đăng ký, có được nguồn vốn ban đầu để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, Đoàn xã đang quản lý dư nợ trên 6,1 tỷ đồng cho thanh niên thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo vay phát triển kinh tế gia đình.
Anh A Đành - Bí thư Đoàn xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy cho biết: "Qua thực tế trên địa bàn xã, các hộ ĐVTN vay vốn đều sử dụng đúng mục đích. Vốn chủ yếu được đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt như nuôi bò sinh sản, rồi trồng đầu tư vào cà phê, trồng cao su và một số mô hình khác nữa. Ngoài ra, một số hộ còn kinh doanh, buôn bán cũng thu nhập kha khá. Hiện có một số ĐVTN điển hình có thu nhập từ 150 - 200 triệu/năm".
Để định hướng cho thanh niên lập nghiệp gắn với trách nhiệm của tổ chức Đoàn, việc kiểm tra, giám sát và hướng dẫn sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích cho thanh niên thường xuyên được Huyện đoàn tuyên truyền, vận động. Từ đó có những bước đi thích hợp trong việc thu hồi dư nợ hàng tháng đối với ĐVTN đang vay vốn.
Anh A Ten – Bí thư Huyện đoàn Sa Thầy cho biết:"Tránh tình trạng thanh niên không có việc làm, tham gia các tệ nạn xã hội rồi nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, để phát triển kinh tế xã hội nói chung và lực lượng ĐVTN nói riêng có điều kiện phát triển kinh tế, phát triển kinh tế hộ gia đình và nhân rộng các gương thanh niên tiêu biểu trong lao động sản xuất và nhân rộng các mô hình từ hiệu quả việc vay vốn, nhân rộng ra địa bàn các lực lượng ĐVTN khác làm các mô hình để làm sao để ĐVTN có được việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình và xóa đói giảm nghèo, đảm bảo cho phát triển kinh tế, đảm bảo cho an ninh quốc phòng".
"Xác định thanh niên là lao động chính của các hộ gia đình, và là lực lượng nòng cốt để góp phần phát triển kinh tế của địa phương, Huyện đoàn Sa Thầy còn tăng cường phối hợp với Trung tâm hỗ trợ thanh niên, trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh để mở các lớp tập huấn cho lực lượng ĐVTN, nhất là tại các vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Tập trung hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc các loại cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp. Đồng thời nhân rộng những tấm gương làm giàu trong lực lượng ĐVTN trên địa bàn huyện" - Anh A Ten – Bí thư Huyện đoàn Sa Thầy cho biết thêm.
ĐVTN làm thủ tục vay vốn tại NHCSXH huyện Sa Thầy
Ông Phan Đình Tân – Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sa Thầy nói: "Tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ ủy thác qua Đoàn thanh niên huyện là 39 tỷ đồng với 1.600 lượt hộ vay vốn, chiếm 15,5% trên tổng dư nợ. Nhìn chung, phần lớn ĐVTN trên địa bàn huyện Sa Thầy sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, mang lại lợi nhuận; tuy nhiên vẫn còn một số thành niên sử dụng vốn vay chưa có hiệu quả. Để thanh niên sử dụng vốn vay hiện quả hơn, theo tôi Huyện đoàn, đoàn xã cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hơn nữa.
Có thể nói, đối với vùng DTTS, vùng khó khăn, việc được hỗ trợ vốn vay ưu đãi không chỉ là điều kiện cần, mà còn là động lực để lực lượng ĐVTN nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Mặc dù hiện tại các mô hình kinh tế vẫn đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, nhưng sẽ là nguồn thu nhập ổn định, thoát nghèo và làm giàu cho thanh niên huyện Sa Thầy trong tương lai./.
Bài, ảnh: Dương Nương