Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Những gương sáng giữa đời
Ngày đăng: 03/05/2018  15:48
Mặc định Cỡ chữ
Già làng hay người có uy tín, tiêu biểu trong mỗi cộng đồng làng DTTS Tây Nguyên không chỉ tượng trưng cho sự đoàn kết, sức mạnh trung tâm mà còn là "cầu nối" đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về với bà con dân làng, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng thôn, làng ngày một phát triển, an ninh trật tự được giữ vững.

 

Ông A Bok hướng dẫn bà con cách chăm sóc cà phê

Từng là căn cứ địa cách mạng của xã Đăk Ui, làng Tăm Mơ Năng nay đã được phủ lên mình màu xanh của bạt ngàn cà phê, của ruộng lúa mạ non, thay thế cho những rẫy mì cằn cỗi, nghèo nàn. Đó là nhờ sự tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình của già làng A Bok, nêu gương để bà con học hỏi làm theo, tăng gia sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Ông Trần Đình Trình - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà cho biết: Ông A Bok hướng dẫn cho bà con cách sản xuất nông nghiệp, sử dụng công nghệ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng chế phẩm sinh học, chuyển đổi giống mới cho năng suất, chất lượng cao hơn, đặc biệt là khơi dậy phong trào trồng, chăm sóc và phát triển cây cà phê hộ gia đình".
 
Ngày trước, gia đình anh A Ngọc - Làng Tăm Mơ Năng, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà vẫn bám chặt vào vài sào mì, ruộng lúa ít ỏi để sống qua ngày. Nhưng từ khi được già làng A Bok hướng dẫn bà con chuyển đổi cây con giống, áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như chế phẩm sinh học trong cách trồng, chăm sóc, vườn cà phê 400 cây của gia đình anh đã bắt đầu cho thu hoạch. Đợt thu bói vừa rồi, gia đình anh thu được 20 triệu đồng.
 
Anh A Ngọc thổ lộ: Gia đình mình được như ngày hôm nay là nhờ công rất lớn của già làng A Bok đấy. Ông ấy hướng dẫn tận tình cho bà con trong làng mình cách trồng cà phê, cách chăm sóc để cà phê phát triển tốt, mang lại thu nhập cao cho bà con".
 
Trước kia, bà con làng Tăm Mơ Năng có trồng cà phê nhưng với diện tích manh mún và nhỏ lẻ. Bắt đầu từ năm 2010, sau khi thấy ông A Bok nghỉ hưu về tiên phong chuyển đổi trồng 1.000 gốc cà phê để phát triển kinh tế gia đình, chỉ sau vài năm đã có được nguồn thu ổn định, thì bà con mới bắt đầu trồng nhiều dần lên.
 
Già làng A Bok vui mừng nói: "Ngày đầu tôi đưa cây cà phê vào trồng, bà con ai cũng nghi ngại. Tôi vận động bà con chuyển đổi chỉ có một số ít người làm theo. Nhưng khi thấy tôi trồng hiệu quả, thu hoạch cao, bà con trong làng bắt đầu trồng nhiều dần lên. Giờ thì phát triển được khoảng 40ha rồi. Chắc vài năm nữa thôi là trong thôn không còn hộ nghèo nữa đâu".
 
Với mức thu nhập bình quân khoảng 16 - 17 triệu đồng/người/năm, đời sống của bà con nơi đây ngày càng được nâng lên. Điều đó có phần đóng góp không nhỏ trong việc thay đổi tư duy, tập quán canh tác và nhận thức vươn lên thoát nghèo trong cộng đồng làng Tăm Mơ Năng của già làng A Bok.
 
Ngay từ những ngày còn thanh niên, ông A Bát ở làng Kon Rơ Bang 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum đã là một trong những nhóm trưởng tình nguyện tự quản cho khoảng 20 hộ trong làng. Nhận thấy được năng lực và trách nhiệm của ông, năm 1999, ông được UBND xã Vinh Quang gọi tham gia vào lực lượng Công an xã.
 
Ông Nghiêm Minh Tiến – Trưởng Công an xã Vinh Quang, TP. Kon Tum cho biết: "Ông A Bát luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với anh em đồng đội rất thân tình, giúp đỡ lẫn nhau; hòa nhã, vui vẻ, nhiệt tình với công việc của làng nên được bà con trong làng rất quý mến".
 
"Trong thời gian vừa qua, tình hình an ninh trật tự tại địa phương xã Vinh Quang nói chung và địa bàn thôn Kon Rơ Bàng nói riêng tương đối ổn định; an ninh nông thôn, an ninh trong vùng DTTS, an ninh tôn giáo đều được giữ vững" - Ông Nghiêm Minh Tiến cho biết thêm.
 
Không chỉ là một Công an viên tận tâm trong công việc, ông A Bát còn là trưởng thôn Kon Rơ Bàng 2 gương mẫu trong cộng đồng làng. Năm 2009, được bà con quý mến, tin tưởng, ông được tín nhiệm bầu làm thôn trưởng, tham gia vào hội đồng già làng, tổ hòa giải của thôn. Nhận thêm nhiều vai trò mới, vất vả nhưng ông luôn cố gắng sắp xếp thời gian để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
Nhờ nỗ lực nêu gương, ông A Bát được bà con kính trọng, làm theo những gì được tuyên truyền, vận động, hướng dẫn trong cuộc sống cũng như trong lao động sản xuất, trở thành gương sáng cho bà con trong làng noi theo.
 
Làng Kon Rơ Bàng 2 hiện có gần 100% hộ đạt gia đình văn hóa, thu nhập bình quân khoảng 23 triệu đồng/người/năm, tình hình an ninh trật tự xã hội luôn được giữ vững, nhiều năm liền đạt thôn văn hóa. Ông A Bát trở thành tấm gương điển hình được chính quyền địa phương nhân rộng cho các thôn DTTS trên địa bàn.
 
Dù tuổi đã cao nhưng ông A Bát vẫn tiếp tục kiên trì với mục tiêu của mình, cố gắng nỗ lực nêu gương, phấn đấu làm tốt nhiệm vụ để xứng đáng với niềm tin mà bà con dành cho, xứng đáng với sự tin tưởng mà Đảng và nhà nước đã giao phó.
 
Ông A Bát bộc bạch: "Nhìn thấy bà con dân làng của mình chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con ngoan ngoãn; an ninh trật tự ổn định là tôi vui lắm, mừng lắm".
 
Với những nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động và nêu gương, ông A Bát và già làng A Bok đã được các cấp ngành khen thưởng; đặc biệt cuối năm 2017 vừa qua, 2 ông đã vinh dự được chọn tham dự Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu người DTTS toàn quốc; xứng đáng là những tấm gương sáng giữa đời phát huy tốt vai trò của người uy tín trong vận động dân làng xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, đảm bảo quốc phòng an ninh tại địa phương./.
 
Bài, ảnh: Dương Nương
  • Diện tích tỉnh Kon Tum

    9.690,5 km2
  • Dân số tỉnh Kon Tum (2022)

    579.914 người
  • GRDP tỉnh Kon Tum (2022)

    30.848,84 tỷ VNĐ
  • Xếp hạng PCI (2022)

    37 /63
Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kon Tum lần thứ IX năm 2024
Theo bạn nội dung cung cấp trên cổng thông tin điện tử như thế nào?