Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Người có công nêu gương sáng
Ngày đăng: 31/07/2018  02:56
Mặc định Cỡ chữ
Không trông chờ, ỷ lại vào sự quan tâm, ưu đãi của Đảng, nhà nước; sống gương mẫu ở khu dân cư và ra sức lao động sản xuất, vượt khó đi lên - Đó là nét đẹp đáng quý của nhiều người có công với cách mạng và gia đình chính sách. Với ý nghĩa này, ba cá nhân tiêu biểu của tỉnh Kon Tum vinh dự được khen thưởng tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018 thực sự đã nêu gương sáng.

 


Thương binh A Diêu tại Hội nghị biểu dương người có công toàn quốc năm 2018
 
Đi lại nhẹ nhàng trên đôi nạng cũ, nói cười vui vẻ, nhiệt tình - ông A Diêu, thương binh 1/4 ở thôn 1, thị trấn Sa Thầy thật dễ gần, dễ mến. Ông kể, ông người dân tộc Gia Rai, quê gốc ở làng Rập, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy. Giữa năm 1976, khi đang là học sinh Trường Thanh niên vừa học vừa làm Kon Đào, huyện ĐăkTô, A Diêu cùng các bạn nam thanh niên đã hăng hái nhập ngũ, được biên chế vào Tiểu đoàn 304 (Tỉnh đội Gia Lai - Kon Tum), tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Sau ngày Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng (7/1/1979), đối mặt với âm mưu chống phá của tàn quân Pôn Pốt và thế lực thù địch, đơn vị tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ giữ gìn khu vực biên giới giữa tỉnh Gia Lai- Kon Tum (cũ) và tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Tháng11/1979, trong một trận chiến đấu ác liệt khi gặp ổ phục kích của địch, người lính trinh sát A Diêu bị thương rất nặng, mất chân phải.
 
Là thương binh 1/4, được Đảng, nhà nước và Nhân dân chăm lo suốt đời; nhưng A Diêu không chịu nghỉ ngơi. Mặc dù vẫn phải chống chọi với những cơn đau do mảnh đạn còn trong cơ thể, song những lúc khỏe mạnh, ông chẳng mấy lúc ngồi không. Từ dọn dẹp, quét tước, đảm đang hầu hết việc nhà đến trồng cây, làm cỏ, cuốc đất, chăm nuôi heo, bò ... ông đều siêng năng và thành thạo. Gia đình Ông hiện có 2 hecta rẫy bời lời xen cây điều; đàn bò, trâu, dê cả chục con. Nhờ chịu khó trồng trọt, chăn nuôi, những năm qua, mỗi năm, gia đình ông thu 70-80 triệu đồng ngoài chế độ được cấp phát. Được cán bộ chiến sĩ Quân khu 5 hỗ trợ 70 triệu đồng để làm nhà tình nghĩa, gia đình ông A Diêu cũng đã đầu tư thêm 130 triệu đồng dành dụm để xây mới căn nhà khang trang, kiên cố. Con trai duy nhất của Ông là Siu Tương (sinh năm 1989) được nuôi dạy đến nơi đến chốn đã tốt nghiệp Đại học An ninh, hiện công tác tại Công an thành phố Kon Tum.
 

Bệnh binh U Ủi và ông Lê Xuân Thu - thân nhân liệt sĩ (từ phải sang)
 
Bệnh binh U Ủi ở thôn 9, Đăk Rờ Ve, huyện Kon Rẫy sinh ra và lớn lên từ làng KonTuRối, vùng quê cách mạng thuộc H16 (nay là xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy). Tham gia du kích khi mới 15 tuổi, năm 1970, U Ủi vào bộ đội, công tác tại Huyện đội 16. Góp phần giải phóng quê hương vào năm 1975 và sau nhiều năm cống hiến sức trẻ cho công cuộc xây dựng đất nước, ông bị suy giảm sức khỏe do bệnh tật. Năm 1988, ông nghỉ công tác, hưởng chế độ bệnh binh. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tuy sức yếu, ông U Ủi vẫn kiên trì, chịu khó tăng gia, sản xuất; cùng người vợ siêng năng làm lụng, nuôi dạy 4 con nên người. Ban đầu chỉ làm rẫy trồng mì, trồng bắp và sạ cấy 3 sào ruộng nước; sau, ông mạnh dạn đầu tư trồng 7 sào cà phê, những năm qua, mỗi năm thu khoảng 100 triệu đồng. Không chỉ gương mẫu sản xuất, bệnh binh U Ủi còn phát huy vai trò bí thư chi bộ thôn, chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh thôn 9, thị trấn Đăk Rve; được đồng chí, đồng đội và bà con ở khu dân cư tin tưởng, quý mến.
 
Ông Lê Xuân Thu ở thôn 2, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô quê Tam Kỳ, Quảng Nam lên lập nghiệp ở xã Diên Bình, huyện Đăk Tô từ năm 1958. Gia đình nghèo khó, nên em trai út Lê Văn Khương đã được ông nuôi nấng từ khi còn nhỏ. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1978, anh Khương xung phong lên đường, tham gia quân tình nguyện chiến đấu ở chiến trường Campuchia và anh dũng hy sinh trên đất bạn khi mới 18 tuổi. Mất mát, đau thương, nhưng ông Thu tự nhủ càng phải cố gắng sống và làm việc, xứng đáng với niềm tự hào của gia đình liệt sĩ. Không chỉ chăm lo sản xuất, nuôi dạy con cái học hành đến nơi đến chốn, ông Lê Xuân Thu còn gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước và hăng hái đi đầu trong phong trào quần chúng của địa phương. Ở thôn 2, ông được biết đến như một “già làng” thực sự. Vất vả nuôi dạy 4 con gái trưởng thành, vợ chồng ông gần như đã vắt kiệt sức lực, song ông vẫn là một trong số nông dân tiêu biểu, đi đầu thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngoài 2 sào ruộng nước, gia đình ông Thu còn ổn định chăm sóc vườn cà phê 600 cây, rẫy cao su 7 sào, nuôi thả 1.200m2 ao cá; mỗi năm thu từ 200 đến 240 triệu đồng.
 
Chăm lo sản xuất, vượt khó đi lên, vun đắp gia đình tiến bộ, hạnh phúc; những người có công với cách mạng như ông A Diêu, U Ủi, Lê Xuân Thu thực sự đã nêu gương sáng cho bà con ở khu dân cư, cùng chung tay xây dựng quê hương ổn định và phát triển. Vinh dự được tham dự Hội nghị biểu dương những người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018, được Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm hỏi, động viên là kỷ niệm vô cùng ý nghĩa với những người có công đã nỗ lực đi lên bằng chính sức mình./.
                                                                               Bài, ảnh: Nghĩa Hà 
  • Diện tích tỉnh Kon Tum

    9.690,5 km2
  • Dân số tỉnh Kon Tum (2022)

    579.914 người
  • GRDP tỉnh Kon Tum (2022)

    30.848,84 tỷ VNĐ
  • Xếp hạng PCI (2022)

    37 /63
Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kon Tum lần thứ IX năm 2024
Theo bạn nội dung cung cấp trên cổng thông tin điện tử như thế nào?