|
Cựu chiến binh A Hiền đi đầu trồng cao su
|
Nhà ở ngay khu dân cư tập trung của thôn Rờ Kơi, cách trung tâm xã Rờ Kơi không xa; nhưng để đến khu sản xuất của gia đình ông A Hiền, phải qua quãng đường khá xa. Đáng kể, là từ chỗ rẽ trên đường liên thôn vào, còn đi bộ chừng mươi phút. Đó là vùng rẫy hẹp nằm ở cuối khu vực đất sản xuất tập trung rộng hàng chục hecta của xã Rờ Kơi. Bên cạnh vạt đất thấp trồng mì, bắp,cỏ voi; là đồi cao su thoai thoải, tốt tươi những hàng cây đều tăm tắp đang kỳ cạo mủ. Đặc biệt, nền đất cao su sạch tươm, mùa mưa nhưng không một chút cỏ.
Ông A Hiền người dân tộc Hà Lăng (Xê đăng), được sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất Rờ Kơi này. Từ nhỏ đã được nuôi dưỡng trong bầu không khí của quê hương kháng chiến, hơn 20 tuổi, ông thoát ly gia đình, làm liên lạc cho cán bộ H67; sau, làm công tác tại cơ quan Tỉnh ủy. Sau giải phóng, ông tham gia xây dựng xã Ia Chim (Thị xã Kon Tum), đi đầu trong đội ngũ những người quản lý bảo vệ rừng và góp phần xây dựng Công ty Cao su Kon Tum. Năm 1993, ông A Hiền nghỉ hưu, về làng. Trong căn nhà tạm bợ, người cha của 7 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn phải đối mặt với vô vàn khó khăn vì đồng lương chế độ có hạn, gia đình lại chẳng có mấy đất đai để trồng tỉa.
Nhớ lời dặn dò tâm huyết của anh em, đồng chí trước lúc về hưu, ông tránh xa rượu chè, thuốc lá; chỉ chăm lo cái ruốc cái rựa, ngày ngày lên rẫy lên nương. Khu vực quy hoạch sản xuất trước đây còn hoang hóa, đầy cây cối cỏ dại. Ông cùng người vợ tần tảo chịu khó khai hoang, cuốc vỡ, cải tạo đất được tổng cộng 4 hecta. Ban đầu chỉ trồng mì tỉa lúa, cố gắng để đủ cái ăn, không còn thiếu đói giáp hạt. Ổn định “lấy ngắn” là cơ sở để ông tính đến “nuôi dài”. Năm 2004, ông A Hiền mạnh dạn vay 20 triệu đồng Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng cao su; vốn có hạn, nên ban đầu, chỉ trồng hơn 01 hecta. Nhờ dành dụm tiền bán mì, năm sau và năm sau nữa, ông tiếp tục trồng mới, được tổng cộng hơn 03 hecta cao su. Không chỉ tìm hiểu kỹ quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cao su để áp dụng vào thực tế, ông Hiền còn lặn lội về tận nơi chuyên canh cao su Ia Chim có uy tín để lựa mua cây giống đạt chất lượng.
Được chăm sóc chu đáo, toàn bộ diện tích cao su của gia đình phát triển rất tốt. Những năm gần đây, mặc dù cao su không được giá, mỗi năm, gia đình ông Hiền cũng thu trên 100 triệu đồng. Đó còn chưa kể, ông thường xuyên nuôi vài ba chục con gà, 4-5 con heo, 2 con bò. Thôn trưởng A Thum ghi nhận: Bà con trong thôn Rờ Kơi học hỏi ông A Hiền được nhiều kinh nghiệm để chăm sóc và cạo mủ. Không chỉ cần cù, chịu khó lao động, ông còn nắm vững kiến thức và chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Trước hết, vườn cây luôn được làm cỏ sạch sẽ, tạo không gian thoáng đãng. Cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản được tỉa cành, bón phân đầy đủ. Qua thời kỳ kiến thiết cơ bản, không vội “ ăn miếng chín” mà dành thời gian dưỡng cây rồi mới mở miệng cạo.Trong quá trình thu hoạch mủ, phải chú ý từng nhát cạo đúng kỹ thuật, tránh khai thác theo kiểu bóc lột sức cây.
Nhờ chịu khó chịu khổ lao động sản xuất, dành thời gian cho con cái học hành, nên đến nay, 4 người con của vợ chồng ông A Hiền đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và công tác tại các cơ quan, đơn vị nhà nước. Những người con gắn bó với đất đai cũng có cuộc sống ổn định.
Sống chân thành, cởi mở, sẵn lòng giúp đỡ mọi người nên ông A Hiền được bà con thôn Rờ Kơi quý mến.Trong vai trò là hội viên cựu chiến binh, nỗ lực nói đi đôi với làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Bác Hồ của ông A Hiền và cố gắng vận động thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước mà ông quan tâm luôn được bà con hưởng ứng. “Trồng cao su, bời lời, nuôi con heo con bò, cho con cái đi học đi hành, rồi còn dạy cồng chiêng cho lũ trẻ nữa... A Hiền miệng nói tay làm thôi, nên ai cũng phục, cũng nghe, cũng theo.” - Ông A Ham, cán bộ lão thành của xã Rờ Kơi khen.
Hăng say lao động, nhiệt tình với cộng đồng, cựu chiến binh A Hiền đã góp phần đưa thôn Rờ Kơi từng bước định hình trên 50 ha cây công nghiệp, trong đó có 30 ha cao su. Bà con cùng ra sức giảm nghèo và xây dựng thôn làng no đủ, vững mạnh../.
Bài, ảnh: Nghĩa Hà