Thứ 7, Ngày 27/04/2024 -

Người Rơ Măm ở Sa Thầy - Kon Tum
Ngày đăng: 06/06/2013  04:18
Mặc định Cỡ chữ
 

Từ trước đến nay, phần lớn người Rơ Măm cư trú trên địa bàn Đông Bắc nước Campuchia và Đông Nam nước Lào, chỉ có một bộ phận nhỏ cư trú trên lãnh thổ Việt Nam và là những người có nhiều thế hệ gắn bó với dải rừng ven sông Sa Thầy thuộc vùng đất Kon Tum. Dân tộc Rơ măm là một trong ba dân tộc có dân số ít nhất trong 54 thành phần dân tộc ở Việt Nam (chỉ cao hơn dân tộc Brâu và Ơ-đu). Ở Kon Tum, người Rơ Măm có khoảng 419 người, phần lớn sống tập trung ở khu vực nông thôn.

Ảnh minh họa
 
Đời sống sinh hoạt của người dân tộc Rơ Măm trước đây có nhiều nét riêng biệt so với các dân tộc thiểu số khác. Về hình thái cư trú cổ truyền, người Rơ Măm vẫn tụ cư thành làng(đê), nhưng làng được bố trí theo hình bầu dục, có nhiều cổng, một cổng chính mở ra hướng Bắc; Nhà rông (rôông) được dựng ở giữa làng; quần tụ quanh nhà rông là nhà ở (nam) làm theo kiểu nhà sàn dài của các gia đình theo song hệ. Trang phục cổ truyền của phụ nữ Rơ Măm có loại váy quấn (hphat, kơtu) và áo cộc tay (nho); nam giới có khố (kleo, bơ neo), áo (ao), tấm choàng (kpen). Người Rơ Măm không có tập quán tạo màu cho nền trang phục, các loại váy, áo, khố, tấm choàng đều được làm bằng vải mộc. Người Rơ Măm có tục cà răng, nam giới còn có tục xăm da. Về ẩm thực truyền thống, lương thực chính của người Rơ Măm là gạo nếp, các loại khác như gạo tẻ, ngô, kê, khoai,... chỉ là lương thực phụ.  Thức uống thường ngày là nước lã, khi cử hành nghi lễ hoặc lúc sum vầy thì có rượu cần. Trong đời sống, dân tộc Rơ Măm có nhiều nghi lễ liên quan đến sức khỏe con người. Cộng đồng đã tích lũy được những kinh nghiệm sử dụng thảo mộc tự nhiên để phòng, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Mặc dù vậy, mỗi khi sử dụng cây thuốc đều phải thực hành nghi lễ theo luật tục vì tin rằng có thần ngự trị trong đó.
 
Hoạt động kinh tế truyền thống của người Rơ Măm chủ yếu là trồng trọt trên rẫy (mưr), theo quy trình sản xuất thô sơ “phát, đốt, chọc, trỉa”. Bên cạnh trồng trọt, người Rơ Măm còn chăn nuôi gia súc, gia cầm và các hoạt động khác, như hái lượm và săn bắt trong rừng, làm các nghề thủ công (dệt vải, đan lát, rèn), đánh bắt cá và các loài nhuyễn thể. Hoạt động kinh tế đa dạng không chỉ tạo ra được nhiều loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu tự cấp tự túc trong làng, mà còn đem trao đổi với các làng láng giềng và mở rộng trao đổi sang bên kia biên giới Việt Nam - Campuchia.
 
Sinh hoạt cộng đồng của người Rơ Măm diễn ra dưới nhiều hình thức nhằm lưu truyền những giá trị văn học - nghệ thuật truyền thống. Văn hóa dân gian Rơ Măm phong phú những truyện cổ, bài ca, điệu múa, trò chơi, biểu diễn cồng - chiêng - trống (guông, guông t’gạt, hơ guôl păh) và nhiều loại nhạc cụ (jặp, sar, goong soi, klông lơi, pang bôông, jeng ninh, khom pi, bơ ruôi,...). Từ quan niệm mọi sự vật và hiện tượng đều có thần linh (yang) ngự trị, phong tục - tập quán của người Rơ Măm gắn kết với hệ thống lễ nghi, nổi bật là lễ cúng cơm mới (ét xét may) và các lễ tạ ơn thần lúa (yang xơri). Thông qua sinh hoạt cộng đồng, người già Rơ Măm chỉ dạy cho lớp trẻ những quy định của luật tục và giám sát việc thực thi luật tục, đồng thời trao truyền cho thế hệ sau vốn tri thức dân gian.
 
Sau khi thành lập tỉnh Kon Tum, người Rơ Măm vẫn sống du canh du cư len lỏi trong rừng sâu. Tuy nhiên, nhịp sống bình thường của họ vẫn bị xáo trộn do những tác động từ chính sách thâm độc mà thực dân Pháp ráo riết triển khai ở các làng dân tộc láng giềng. Trong quá trình chuẩn bị tiến tới cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Kon Tum, những tín hiệu về sự tiếp nhận tư tưởng cách mạng và hành động tích cực của những người Gia Rai, Giẻ - Triêng, Xơ Đăng trên địa bàn đã có những tác động trực tiếp đến tâm lý, tình cảm của người Rơ Măm. Sự tác động này đã tạo tiền đề cần thiết, làm cơ sở cho quá trình tiếp cận tư tưởng cách mạng của cộng đồng Rơ Măm trong giai đoạn lịch sử tiếp sau.
 
Đến cuộc kháng chiến chống lại đế quốc Mỹ, đường lối cách mạng của Đảng đã phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại. Người Rơ Măm được giác ngộ cách mạng. Mo Ray - Sa Thầy, địa bàn cư trú lâu đời của người Rơ Măm và các dân tộc anh em đã từng là nơi đứng chân của Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3). Người Rơ Măm gắn bó với cách mạng, dồn sức cho kháng chiến, tích cực tham gia mở đường giao liên, ra sức sản xuất phục vụ hậu cần, thường xuyên tiếp tế cho Quân giải phóng. Trên đường hành quân cũng như vào mùa chiến dịch, chiến sĩ ta qua sông Sa Thầy, thường nhận được những nắm cơm nếp, những chiếc chiếu lá(hla hlap), những tấm vải (prai) làm băng cứu thương,... do đồng bào Rơ Măm cung cấp. Trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945 - 1975), từ những trận đánh ven sông Sa Thầy đến những chiến dịch lớn ở Bắc Tây Nguyên,... đều có dấu ấn về sự đóng góp của người Rơ Măm bằng công sức, mồ hôi và máu...
 
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, người Rơ Măm gặp không ít khó khăn khi bước vào công cuộc xây dựng quê hương. Địa bàn cư trú của người Rơ Măm là nơi mà các thế lực thù địch trong và ngoài nước qua lại, ẩn náu để thực hiện hoạt động chống phá cách mạng; tập quán du canh du cư của người Rơ Măm ở Kon Tum mang nhiều sắc thái đặc thù. Vì vậy, việc thực hiện định canh định cư ở đây là một vấn đề nan giải.
 
Đứng trước những thử thách mới, người Rơ Măm vẫn giữ vững niềm tin vào Đảng, có nhiều hành động thiết thực để giữ gìn thành quả cách mạng, hàn gắn những vềt thương chiến tranh. Bên cạnh đó, Đảng bộ và chính quyền các cấp luôn thể hiện sự quan tâm và thực hiện chính sách ưu đãi, tiếp thêm sức mạnh để người Rơ Măm phát huy nội lực. Lực lượng cán bộ, đảng viên người dân tộc Rơ Măm tiếp tục phát triển, không chỉ trực tiếp điều hành, quản lý các hoạt động tại làng, mà còn có vị trí xứng đáng trong hệ thống chính trị các cấp.
 
Nhà nước đã đầu tư nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng nông thôn để định cư cho người Rơ-măm; cử cán bộ chuyên trách đến giúp đồng bào làm nhà ở, nhà vệ sinh, khoan giếng, mắc điện gia dụng, mở các khóa tập huấn khuyến nông, khuyến lâm cho các hộ nông dân Rơ-măm; hỗ trợ phát triển chăn nuôi, dụng cụ sản xuất, cây giống, phân bón,máy móc và  hướng dẫn canh tác tập thể,…. Địa bàn sinh sống của người Rơ Măm trước kia thưa thớt dân cư, nay có các đơn vị quân đội đến làm kinh tế, có những làng thanh niên lập nghiệp biên giới, có các cửa hàng dịch vụ,…Họ được mở rộng giao lưu, tiếp xúc với công nhân và nhiều tầng lớp khác; bước đầu tiếp cận với cách sản xuất mới; được làm quen với cách trồng cây công nghiệp, làm vườn, làm ruộng nước; được tiếp cận với những dịch vụ mới trong các lĩnh vực y tế, vệ sinh, truyền thanh, truyền hình, thương nghiệp; được tiếp nhận những tiện ích mới trong sinh hoạt và đạt được nhiều tiến bộ trong đời sống...
 
Qua nhiều thế hệ sinh sống trên vùng đất Kon Tum, nhóm người Rơ Măm tuy dân số ít nhưng họ đã có những đóng góp tích cực trong tiến trình khai phá, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất này. Kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam thêm phong phú khi có sự hiện diện của văn hóa dân tộc Rơ Măm với những nét nổi bật về sự giàu có tri thức dân gian và kinh nghiệm canh tác rẫy,... Ngày nay, đồng bào Rơ Măm tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa dân tộc và truyền thống cách mạng, ra sức chăm lo phát triển nguồn lực cộng đồng, nỗ lực hợp sức với các dân tộc anh em chung sống trên địa bàn trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
 
Minh Hải