Sáng ngày 08/5, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương sơ kết 6 năm (2009-2014) triển khai thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị. Dự Hội nghị tại điểm trực tuyến của Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ giảm nghèo trung ương Vũ Văn Ninh; lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.
 |
PCT UBND tỉnh Lại Xuân Lâm phát biểu tại điểm trực tuyến tỉnh Kon Tum
|
Dự họp tại điểm trực tuyến tỉnh Kon Tum có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Xuân Lâm; thành viên BCĐ Đề án giảm nghèo tỉnh; lãnh đạo các huyện: Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Sa Thầy và Kon Rẫy.
Ngày 27/12/2008 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo của 20 tỉnh trong toàn quốc (nay là 64 huyện do diều chỉnh địa giới hành chính và thành lập huyện mới).
6 năm qua, cùng với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo chung, Chính phủ đã ban hành 4 nhóm chính sách đặc thù hỗ trợ các huyện nghèo gồm: chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ nghèo; hỗ trợ trong giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; thu hút, tăng cường cán bộ cho các xã nghèo, huyện nghèo; chính sách và cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng đối với huyện nghèo và các xã, thôn ĐBKK; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, với tổng nguồn vốn huy động và phân bổ hỗ trợ các huyện nghèo là 22.189 tỷ đồng; trong đó: NSTW 17.051 tỷ đồng, NSĐP 2.000 tỷ đồng, còn lại là hỗ trợ của các doanh nghiệp.
Nhờ vậy, KT-XH của các huyện nghèo đã có sự thay đổi rõ rệt, kinh tế từng bước phát triển; cơ cấu sản xuất đã có sự chuyển dịch theo hướng phi nông nghiệp và sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, đầu ra của sản phẩm được đảm bảo; thu ngân sách tăng; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/năm năm 2006 lên 6,5- 8 triệu đồng/người/năm vào năm 2010 và từ 12-13 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2014; tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2014 đạt khoảng 30%; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (bình quân giảm 6%/năm); các công trình hạ tầng cơ sở cơ bản được đầu tư xây dựng đồng bộ, trung tâm xã và đường trục đi lại được 4 mùa; 100% số trung tâm xã và trên 90% số thôn, bản đã có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; các công trình thủy lợi đã đáp ứng trên 80% nhu cầu tưới tiêu; mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, thông tin, truyền thông...được nâng lên; hệ thống chính quyền cơ sở được củng cố; an ninh, quốc phòng được đảm bảo.
Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ giảm nghèo nhanh ở các huyện nghèo nhưng đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 64 huyện nghèo vẫn cao gấp 5,5 lần so với tỷ lệ bình quân cả nước; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; tỷ lệ hộ cận nghèo tăng; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm...
Phát biểu tại Hội nghị từ điểm trực tuyến tỉnh Kon Tum, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Xuân Lâm báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết 30a 6 năm qua trên đại bàn 2 huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông của tỉnh; đồng thời kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương một số vấn đề: Bổ sung huyện Ia H’Drai được hưởng theo Quyết định 293/QĐ-TTg ngày 05/2/2013 của TTCP; tăng mức hỗ trợ lên 120 tỷ đồng/năm để đáp ứng nhu cầu đầu tư; bố trí kinh phí để xây dựng dự án nhân rộng mô hình khuyến nông- lâm- ngư từ 500 triệu đến 01 tỷ đồng/xã; bố trí kinh phí hỗ trợ cho nhân dân khai hoang, phục hóa để sản xuất nông nghiệp; đề nghị Tập đoàn Cao su Việt Nam (đơn vị được phân công giúp đỡ 2 huyện nghèo ở Kon Tum) nghiên cứu, lập dự án đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh phù hợp với điều kiện của 2 huyện nghèo của tỉnh và phân công từ 1-2 doanh nghiệp giúp đỡ các huyện nghèo của Kon Tum.
Tại Hội nghị, đại biểu của các địa phương, Bộ, ngành trung ương đã thảo luận đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo ngang bằng mức trung bình của tỉnh; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo trên 40%; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 14-15 triệu đồng/người/năm, có ít nhất 6 huyện cơ bản thoát khỏi tình trạng huyện nghèo. Đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo ngang bằng mức trung bình của khu vực; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo trên 50%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với năm 2015, có ít nhất 50% số huyện cơ bản thoát khỏi tình trạng huyện nghèo.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng xử lý các kiến nghị của các địa phương phù hợp, kịp thời để thời gian tới tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết này. Đề nghị thành viên chính phủ, BCĐTW, lãnh đạo các địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo; bổ sung thêm giải pháp đặc thù, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đề nghị các địa phương đưa vào Nghị quyết phát triển KT-XH của địa phương. Đề nghị rà soát lại các chính sách xem chính sách nào cần loại bỏ, cần duy trì và cần bổ sung; chú trọng bổ sung chính sách trọng tâm như: giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng; hỗ trợ ĐBDTTS phát triển chăn nuôi; mở rộng đối tượng cho vay, doanh số cho vay; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn, gắn với tiêu thụ sản phẩm; tập trung thêm nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn vốn...
Tin, ảnh: Dương Nương