Kon Tum có hai huyện là Kon Plông và huyện Tu Mơ Rông thực hiện Nghị quyết 30a và ba huyện là Đăk Glei, Sa Thầy và Kon Rẫy thực hiện theo Quyết định số 293/QĐ-TTg áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định như huyện thực hiện Nghị quyết 30a. Có thể nói, sau 6 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao đời sống không chỉ ở các huyện thụ hưởng mà còn góp phần lớn vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.
 |
Trung tâm huyện Tu Mơ Rông
|
6 năm qua, tỉnh Kon Tum đã thực hiện đồng bộ, đầy đủ các chính sách giảm nghèo như: Chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; chính sách tăng cường, thu hút cán bộ, trí thức trẻ; chính sách, cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng ở cả thôn, bản, xã và huyện.
Tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) hàng năm tương đối khá, bình quân giai đoạn 2011-2013 đạt 13,37%/năm, ước giai đoạn 2011-2015 đạt 13,23%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người từ 13,6 triệu đồng năm 2010 lên 25,7 triệu đồng năm 2013 và ước đạt trên 30 triệu đồng vào năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 19,2% (bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 4%/năm).
Riêng đối với huyện thụ hưởng là Kon Plông: Bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 8,59%/năm; xoá xong nhà tạm cho hộ nghèo. Tạo sự chuyển biến bước đầu trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân trên cơ sở đấy mạnh phát triển nông nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng, đẩy mạnh một bước xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người tăng 2 lần so với năm 2008 (khoảng 8,6 triệu đồng/người/năm). Tăng cường nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tạo bước đột phá trong đào tạo nhân lực; triển khai một bước chương trình xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn, huấn luyện đạt trên 15%. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 8%/năm, nhằm đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2015 còn dưới 21%.
Còn huyện Tu Mơ Rông: Bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo 11,14%/năm; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp dưới 70%; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn đạt trên 40%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 11,7 triệu đồng/người/năm. Hệ thống trường lớp đạt chuẩn quốc gia đạt trên 30%. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được trong 2 mùa là 90,9% và thôn đi được trong 2 mùa là 75%. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 8%/năm, nhằm đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2015 còn dưới 21%.
Có được kết quả trên là do tỉnh Kon Tum đã lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung, chính sách quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP tới các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; các cấp đã tích cực vận động, tham gia vào các chính sách, chương trình triển khai trên địa bàn huyện nghèo, đặc biệt là hoạt động cứu trợ cho nhân dân vùng bị lũ lụt, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, làm đường giao thông nông thôn, chăm lo hỗ trợ đối tượng chính sách. Tổ chức kiện toàn Ban Chỉ đạo Đề án nâng cao chất lượng và đẩy nhanh công tác giảm nghèo tỉnh Kon Tum đến năm 2015 các cấp để triển khai thực hiện.
Đặc biệt là ngoài các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo chung và các dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù của Trung ương hỗ trợ theo Nghị quyết 30a, tỉnh Kon Tum còn bổ sung cơ chế, các chính sách giảm nghèo đặc thù do ngân sách địa phương hỗ trợ, như: chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho 20 xã trọng điểm đặc biệt khó khăn; chính sách cấp bù lãi suất 0,3%/tháng cho hộ nghèo dân tộc thiểu số ở 20 xã trọng điểm đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền; chính sách hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh;chính sách động viên, khuyến khích hộ thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, tỉnh xây dựng cơ chế luân chuyển vốn hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, bảo toàn nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án có nội dung giảm nghèo của Nhà nước, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiến bộ, công bằng. Phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh bố trí nguồn vốn vận động tham gia Đề án giảm nghèo tỉnh như: Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo mới áp dụng giai đoạn 2011 - 2015 ở khu vực nông thôn; chính sách hỗ trợ cho người nghèo mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: Nguồn vốn bổ sung, hỗ trợ có mục tiêu theo Nghị quyết 30a của Trung ương hàng năm còn thấp, chưa đảm bảo nhu cầu đầu tư của địa phương, khó khăn cho tỉnh trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các huyện nghèo.
Hàng năm, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện lồng ghép đầu tư phát triển từ nhiều nguồn vốn trên địa bàn 2 huyện nghèo, nhưng một số nguồn vốn hiện nay còn thiếu, do đó không đảm bảo nguồn vốn đầu tư. Các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh nhằm tạo việc làm cho nhân dân cũng như tổ chức nghiên cứu, tuyển chọn chuyển giao giống cây, con phù hợp để nhân dân sản xuất. Trình độ của một bộ phận dân cư còn hạn chế, một số tập tục lạc hậu còn tồn tại ở một số địa phương đã gây khó khăn trong việc tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống. Công tác xuất khẩu lao động chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Năng lực điều hành của một số cán bộ ở cấp xã còn hạn chế; nguyên nhân: do chưa được đào tạo, thiếu chuyên môn nghiệp vụ.
Tổng nguồn vốn triển khai thực hiện là 965 tỷ 958,8 triệu đồng; trong đó: ngân sách Trung ương bố trí trực tiếp để thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù 479.571,1 triệu đồng; ngân sách Trung ương bố trí thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo khác trên địa bàn 2 huyện nghèo 7 tỷ 664 triệu đồng; ngân sách địa phương 103 tỷ 995 triệu đồng; nguồn vốn hỗ trợ của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước 20 tỷ 120 triệu đồng; nguồn vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp, cộng đồng và các đoàn thể 9 tỷ 854,7 triệu đồng; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án giảm nghèo khác đã và đang thực hiện trên địa bàn các huyện nghèo 344 tỷ 754 triệu đồng./.
|
Bài, ảnh: Dương Nương