 |
Nghệ nhân A Bang chế tác nhạc cụ bằng nứa |
Ông ngồi lặng lẽ bên mớ ống nứa đã ngả màu vàng sậm. Đôi tay chầm chậm đưa từng đường dao sắc gọn. Mắt chăm chú theo dõi từng điểm gọt nhắm tới. Khúc nứa thô, một lát đã thành những đoạn cắt vát đều đặn. Có người quan tâm hỏi han, ông vui, thỉnh thoảng ngừng tay và không ngại ngần chia sẻ.
Nơi ông A Bang (tên thường gọi là A Hui) sinh ra và lớn lên là làng Đăk Giá, một trong những làng đồng bào Xê Đăng nổi tiếng về truyền thống văn hóa dân tộc của xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông. Anh ruột ông A Bang là A Ba, một trong số nghệ nhân ưu tú đầu tiên của huyện Tu Mơ Rông và tỉnh Kon Tum được phong tặng năm 2015.
Gia đình có truyền thống văn nghệ, nên từ nhỏ, A Bang đã để ý anh trai làm và đánh đàn T’rưng, Klông Pút, cũng như một số nhạc cụ bằng tre nứa của người Xê Đăng. Lớn lên một chút, A Bang theo trai làng đi biểu diễn trong các lễ hội, dịp vui. Tuy không nổi tiếng bằng anh A Ba, song A Bang cũng là hạt nhân văn nghệ được bà con biết đến. Năm 1984, tình cờ, A Bang được phát hiện và chọn biểu diễn trong chương trình văn nghệ đoàn kết quân dân do Quân khu 5 tổ chức…Lần đó, tiết mục độc tấu Klông Pút “Giã gạo đêm trăng” của A Bang được trao huy chương vàng, tiết mục “Hành quân xa” bằng đàn T’rưng cũng đoạt huy chương bạc. Cánh cửa đội văn nghệ của lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ) đã rộng mở, đón người con tài năng của làng, nhưng vì nặng gánh gia đình, A Bang đành lỗi hẹn.
Ngày trước, vất vả với nương rẫy, nhưng sống gần rừng nên đồng bào Đăk Sao vẫn giữ nếp xưa, tự chế tác các nhạc cụ truyền thống, đàn hát dân ca, đánh cồng chiêng, múa xoang trong đời sống sinh hoạt. Sẵn “vốn liếng” thời tuổi trẻ, năm 1990, mặc dù chuyển về khối 3, thị trấn Đăk Tô, ông A Bang vẫn thỉnh thoảng chế tác đàn T’rưng, Klông Pút để sử dụng. Được tham gia các đoàn nghệ nhân của huyện Đăk Tô biểu diễn cồng chiêng, ông càng có thêm động lực để “ giữ nghề” làm nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa dân dã.
Ông bảo, nứa tre, mây móc đã sẵn ở rừng. Đi lấy về và làm đàn thì phải mất công và mất sức. Nhưng để làm được đàn thì mất sức mất công cũng chưa đủ, mà phải “thật lòng” muốn làm. Đơn giản, dễ làm nhất là Klông Pút, vì đàn này được gọt bằng 9 ống nứa và xếp theo hình thang vuông nằm ngang. Đàn T’rưng thì “bài bản” hơn, “đẹp dáng” hơn vì có hẳn một giàn ít nhất 14 ống nứa xếp theo hình thang cân được đặt trên giá đỡ. Đi kèm với hai nhạc cụ chính này, là bộ đệm cũng bằng tre nứa. Mỗi bộ đệm có kích cỡ, bậc thang âm khác nhau tùy vào cách chế tác của nghệ nhân.
Theo ông A Bang, làm các loại đàn bằng tre nứa không khó, nhưng cũng chẳng hề dễ. Nguyên liệu là ống nứa với các loại to, nhỏ tùy theo yêu cầu chế tác nhạc cụ, nhưng phải là loại nứa “già” vừa phải, tốt nhất là nứa khoảng 3 năm tuổi. Dây mây cũng gồm kích cỡ khác nhau, nhưng cũng là loại dây mây vừa tuổi, dẻo dai, bền chắc, dễ uốn. Ống nứa dùng làm phần thân chính của nhạc cụ, còn dây mây thì tùy theo loại mà để buộc, hay nối các đoạn ống nứa với nhau để tạo thanh âm như ý muốn. So với ngày trước, bây giờ, nguyên liệu ngày càng khan hiếm, khó tìm hơn, nên trong quá trình chế tác, người nghệ nhân có ý thức tiết kiệm nguyên vật liệu. Dây mây để kết nối các phím đàn T’rưng dùng lâu trở nên cứng, dễ gãy, ảnh hưởng đến sự chuẩn xác của nốt nhạc và chất lượng âm thanh của cả dàn T’rưng. Vì vậy, ông A Bang vận dụng, thay thế dây mây bằng sợi dây nhựa, rất đơn giản, song bền hơn, mà âm sắc vẫn đảm bảo thật như dùng dây mây. Trừ những khi phục vụ biểu diễn cần dùng dây mây để đảm bảo tính thẩm mỹ, còn thường dùng vẫn là đàn Tơ rưng dây nhựa.
Khéo làm đàn lại giỏi chơi đàn, những năm qua, ông A Bang luôn được chọn tham gia đoàn nghệ nhân biểu diễn trong các sự kiện văn hóa của huyện, của tỉnh, khu vực Tây Nguyên và ra Hà Nội, vào thành phố Hồ Chí Minh tham gia phục vụ, giới thiệu bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên. Nhiều bản nhạc dân gian Xê Đăng và khúc ca Cách mạng được ông trình tấu bằng T’rưng, Klông Pút, hoặc hòa tấu với cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc đều để lại ấn tượng, mang sắc thái riêng; song ông yêu thích nhất vẫn là những khúc nhạc dân gian như Giã gạo đêm trăng, Đuổi chim, Mừng lúa mới, Mừng nhà rông, Lễ đâm trâu… và những bài ca Cách mạng như mừng Đăk Tô - Tân Cảnh giải phóng, Suối đàn T’rưng… Mỗi khúc nhạc là một tâm trạng, nỗi niềm và gắn với những kỷ niệm đáng nhớ của người nghệ nhân chân chất. Tuổi càng lớn, ông A Bang càng dành nhiều thời gian, tâm sức, miệt mài làm đàn. Gần 1 năm nay, đã có đến hàng chục chiếc đàn T’rưng, Klông Pút, bộ đệm…được ông chế tác, đưa vào sử dụng. Ông cũng dự định sẽ chế tác thêm các nhạc cụ khác như sáo, ống thò, ống then… mà ông cũng quen sử dụng.
Lặng lẽ với việc chế tác nhạc cụ dân tộc và biểu diễn các tiết mục văn nghệ dân gian, ông A Bang đang được ngành Văn hóa Thông tin huyện Đăk Tô đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Khiêm tốn, chân tình, điều quan tâm nhất của ông là truyền ngọn lửa đam mêm lặng lẽ mà ấm nồng cho con cháu và những người yêu mến văn hóa dân gian. Hiện nay, con gái đầu Y Linh của ông đã là một “tay đàn” trong dàn hòa tấu T’rưng và Klông Pút. Các cháu nội ngoại cũng dần được chỉ bảo. Riêng việc chế tác đàn bằng nứa tre, ông mong “truyền nghề” cho cháu nội A Nghĩa, tuy còn nhỏ nhưng đã bộc lộ niềm yêu thích và năng khiếu.
Chia tay nghệ nhân A Bang, chia sẻ niềm vui với ông về một dàn nhạc gia đình có truyền thống văn hóa dân gian đang trở thành hiện thực ./.
Bài, ảnh: Nghĩa Hà