Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Bảo tồn tượng gỗ dân gian và quan tâm tạo nguồn nghệ nhân kế cận
Ngày đăng: 16/07/2019  15:26
Mặc định Cỡ chữ
Cùng với không gian văn hóa và các điều kiện vật chất cần thiết, nguồn nghệ nhân kế cận là yêu cầu quyết định khả năng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.Với đặc thù của nghệ thuật điêu khắc truyền thống, tạc tượng gỗ dân gian không thuận lợi như các loại hình nghệ thuật và nghề truyền thống khác trong công tác này.Tuy vậy, quan tâm truyền nghề, bổ sung lớp nghệ nhân trẻ đã mang đến tín hiệu vui cho nỗ lực giữ gìn nét đẹp đáng quý trong cộng đồng tại địa bàn tỉnh Kon Tum.

 

Anh em Nghệ nhân ưu tú A Gông giữ gìn nét đẹp tượng gỗ dân gian

 

Không ít lần theo anh A Gông tham gia Liên hoan tạc tượng gỗ dân gian, chàng trai A Ia người làng Kon Du (Xã Măng Cành, huyện Kon Plông) ngày càng tự tin, chững chạc. 30 tuổi, mới khoảng 8 năm làm quen với loại hình nghệ thuật độc đáo này, song A Ia ngày càng khẳng định niềm đam mê và khả năng “bén duyên” với nghề.

 

A Ia tâm sự: Ngày nhỏ chưa biết tượng là gì, lớn lên, thấy mấy ông già tạc tượng cũng thích. Sau, đi làm ăn đây đó rồi, lại muốn làm tượng. Được anh A Gông bày vẽ, tận tình cầm tay chỉ việc, nên em đã thạo cái rìu, cái đục để cắt, để tạc.

 

Nghệ nhân ưu tú A Gông bày tỏ: Nó là em mình, mình thương nó nhưng không “khó” với nó, lỡ nó không ráng thì đâu có được. “Phải bày cho nó kỹ càng, từ cầm cái dao, cái đục, đến cách đứng, cách ngồi thế nào, cách  gọt nông, đẽo sâu ra sao... Còn cách vẽ trên cây gỗ để tạc thì phải từ từ, đẽo thông đẽo thạo rồi mới chỉ cho nó được”- A Gông nói.

 

Đông con, cuộc sống vất vả, song nghệ nhân A Tâng, ở làng Kon Xơ Mluh, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy vẫn cố gắng “theo nghề” tạc tượng gỗ dân gian mà mình yêu thích.Từng canh cánh trong lòng nỗi lo về nghề đẽo tượng “không dễ đâu”, A Tâng thực sự vui mừng khi A Hậu, con trai thứ  năm trong số bảy đứa con của mình tỏ ra yêu thích và bộc lộ khả năng với tượng gỗ dân gian.  Năm học 2018-2019, học lớp 8, Trường THCS Đăk Tờ Re, A Hậu đã có gần 2 năm được người cha thân yêu chỉ bày, dìu dắt. “Ở nhà nó thấy mình tạc tượng, nó bắt chước, lúc đầu chỉ lấy mấy khúc cây nho nhỏ thôi. Mình thấy thế thì vui quá, mỗi ngày chỉ cho con một ít. Mừng là nó tiến bộ thật. Đến giờ, tự nó đã đẽo được hai tượng là ông già uống rượu và người phụ nữ cầm bầu nước”- Nghệ nhân A Tâng khoe.

 

  Nghệ nhân A Tâng dạy con trai A Hậu tạc tượng gỗ    

 

Là loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù nên tạc tượng gỗ dân gian không được nhiều người theo đuổi, cũng không phải ai yêu thích cũng có thể “thành nghề”. Vì vậy, ở tỉnh Kon Tum, tuy chưa có số liệu tổng hợp thống kê cụ thể, song có thể nhận thấy, số nghệ nhân tạc tượng gỗ dân gian rất ít, lại chủ yếu ở rải rác trong thôn, làng; không phải địa bàn xã, phường nào cũng có. Khoảng trên dưới 20 nghệ nhân được ít nhiều “biết tiếng” nhờ tham gia các sự kiện văn hóa truyền thống, các liên hoan tạc tượng gỗ dân gian do tỉnh tổ chức.

 

Nguồn nhân lực kế cận, lớp nghệ nhân trẻ cần bổ sung chính là một trong số vấn đề đáng quan tâm trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ dân gian.Từng gặp không ít khó khăn trong việc tạo nguồn và truyền dạy nghề truyền thống đặc biệt này khiến nguy cơ ngày càng “già hóa” đội ngũ nghệ nhân tạc tượng cần  được quan tâm, chú ý. Tuy vậy, nhờ tâm huyết và nỗ lực không mệt mỏi của các nghệ nhân ở khu dân cư, thế hệ tiếp nối đang ngày càng được hình thành, đặc biệt là lớp trẻ đến với nghề cũng không phải là hy hiếm.

 

Ngoài 50 tuổi mới làm quen với tạc tượng nhờ nghệ nhân A Êk người cùng làng, song ông A Đông ở làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) đã không để mọi người thất vọng với sự lựa chọn của mình.Vừa chịu khó học hỏi vừa tự sáng tạo thêm bằng cảm nhận riêng là cách ông A Đông cho ra đời những bức tượng gỗ mang dấu ấn cá nhân.

 

Anh A Khúc, 35 tuổi, theo học nghề tạc tượng gỗ từ Nghệ nhân ưu tú A Bình ở cùng làng Đăk Rô Da (xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) cho hay cũng cố gắng làm quen với nghề, mong sau này có thể tiếp bước ông để dân làng còn người tạc tượng tin cậy.   

 

 “Bây giờ thì bố mong con giỏi hơn bố. Phải chịu khó, siêng năng, đục nhiều, đẽo nhiều thì mới được, làm biếng thì không giỏi được đâu!...”- Đó là lời nghệ nhân A Tâng thường nhắc nhở con trai A Hậu. Nghệ nhân trẻ A Ia mong mỏi: “Con trai mới hơn 3 tuổi, nhưng em vẫn mong nó theo bác, theo bố, học đẽo gỗ làm tượng, cho cái tượng của người Mơ Nâm không mất đi…”.      

 

 Các nghệ nhân chăm lo trao truyền, tạo nguồn kế cận. Lớp thanh thiếu niên yêu thích học nghề và siêng năng luyện rèn. Nỗ lực trong mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư với tượng gỗ dân gian đem đến tín hiệu vui về khả năng nuôi dưỡng loại hình nghệ thuật độc đáo này tại địa bàn tỉnh Kon Tum trong mối quan hệ tổng hòa gìn giữ  bản sắc dân tộc cho hôm nay và mai sau./.

 

                                                                                     Bài, ảnh: Nghĩa Hà