Thứ 5, Ngày 26/12/2024 -

Đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia vào năm 2025
Ngày đăng: 26/05/2022  23:28
Mặc định Cỡ chữ
Tại Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19/5/2022 về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tỉnh ủy Kon Tum xác định mục tiêu "Đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025. Nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế".

 

Ảnh minh họa

 

Đến năm 2030, sản lượng dược liệu đạt trên 130.000 tấn

 

Để đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu, đưa tỉnh Kon Tum sớm trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, Nghị quyết xác định đến năm 2025: Hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung; trong đó: Diện tích Sâm Ngọc Linh đạt khoảng 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây); các cây dược liệu khác đạt khoảng 10.000 ha, gồm khoảng 2.000 ha cây dược liệu lâu năm và khoảng 8.000 ha cây dược liệu hằng năm (1.600 ha đất qua các lượt trồng) các loại cây dược liệu ngắn ngày.

 

Mỗi huyện, thành phố hình thành ít nhất 01 cơ sở sản xuất, cung ứng giống dược liệu có thế mạnh tại địa phương với quy mô trên 01 ha, công suất 1-2 triệu cây/năm đáp ứng được nhu cầu trồng dược liệu trên địa bàn; 100% cây giống dược liệu được kiểm soát về nguồn giống.

 

Phấn đấu có hơn 40% số hợp tác xã tham gia đầu tư trồng, chế biến và phân phối sản phẩm dược liệu.

 

Khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu của tỉnh. Phấn đấu đến 2025 khai thác khoảng 1.000 tấn dược liệu các loại; trong đó, khai thác khoảng 700 tấn dược liệu tự nhiên (Cu ly, Huyết đằng, Cốt toái bổ, Mật nhân, chè dây...), khai thác khoảng 300 tấn dược liệu trồng (Đảng sâm, Đương quy, Nghệ vàng, Sâm Ngọc Linh, Sa nhân, Ngũ vị tử, Giảo cổ lam...).

 

Phát triển mạnh chuỗi liên kết sản xuất dược liệu từ trồng, khai thác, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, phấn đấu mỗi huyện, thành phố hình thành 01 cơ sở sơ chế, chế biến các loại dược liệu để tạo tiền đề hình thành ít nhất 01 chuỗi sản xuất dược liệu; thu hút được ít nhất 01 doanh nghiệp có quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia đầu tư sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh.

 

Sản xuất dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và đóng góp 5% vào GRDP của tỉnh.

 

Đến năm 2030: Tổng diện tích vùng trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha; trong đó diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 10.000 ha (100 triệu cây). Sản lượng các loại dược liệu đạt trên 130.000 tấn, ngành dược liệu đóng góp khoảng 15% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.

 

Hình thành mới 05 cơ sở sản xuất nguồn giống thương phẩm đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế cao, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu. Đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng trồng dược liệu, thúc đẩy dịch vụ logistics, kho bãi phục vụ phát triển sản xuất, bảo quản và chế biến dược liệu.

 

5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

 

Để đạt những mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra 5 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu; Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu; Đầu tư phát triển dược liệu, gắn với công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ; Thực hiện cơ chế, chính sách về phát triển dược liệu; Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển dược liệu.

 

Theo Nghị quyết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh và đạt một số kết quả tích cực. Đã bước đầu hình thành các vùng trồng dược liệu tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông. Công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến dược liệu được chú trọng; đã xây dựng được một số chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ và đăng ký bảo hộ thương hiệu các sản phẩm dược liệu được quan tâm thực hiện. Một số sản phẩm từ dược liệu được thị trường đón nhận, nhất là Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Việc phát triển dược liệu đã góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Tuy nhiên, việc phát triển dược liệu chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chưa hình thành được mối liên kết giữa vùng nguyên liệu tập trung với cơ sở sản xuất, chế biến quy mô lớn. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương liên quan trong việc phát triển dược liệu thiếu chặt chẽ; nhân lực quản lý Nhà nước về dược liệu chưa đáp ứng yêu cầu; công tác quản lý, bảo vệ nguồn giống và thương hiệu một số dược liệu chưa hiệu quả, nhất là Sâm Ngọc Linh Kon Tum­. Việc phát triển các loài dược liệu để phục vụ y học chưa được chú trọng đúng mức...

 

Thái Ninh