Thứ 4, Ngày 24/04/2024 -

Một số kết quả trong thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
Ngày đăng: 28/03/2023  14:20
Mặc định Cỡ chữ
Phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, tạo công ăn việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy và đóng góp vào tăng trưởng của mỗi quốc gia. Đồng thời, công nghiệp văn hóa góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế

 

Ngày 08/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi là Chiến lược). Qua 5 năm thực hiện, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp các ngành, việc thực hiện các nội dung của Chiến lược đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến năm 2018, các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam (Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa) đã đóng góp khoảng 3,61% vào GDP của Việt Nam (2018).

 

Về ngành Điện ảnh: Doanh thu từ chiếu phim trong năm 2017 đạt 3.250 tỷ đồng, thu hút hơn 45 triệu lượt khán giả, năm 2018 đạt 3.353 tỷ đồng. Năm 2019 doanh thu đã tăng lên đạt 4.064 tỷ đồng, tăng 21,2% so với 2018 và tăng gấp 1,25 lần so với năm 2017. Đến năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu từ chiếu phim của ngành đã giảm xuống, chỉ đạt 25% so với cùng kỳ 2019. Về số lượng phim Việt Nam sản xuất và chiếu rạp, năm 2020 số lượng phim của ngành là 45 phim, đến năm 2021 con số này đã giảm xuống còn 21 phim. Tuy nhiên, việc tổ chức thẩm định, phân loại và cho phép phát hành trong năm 2022 đã tăng gấp 1,3 lần so với năm 2021. Nhìn chung, mặt bằng chất lượng phim Việt được nâng cao dần, trong đó có một số bộ phim Nhà nước đặt hàng được trao các giải thưởng trong nước và quốc tế như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cuộc đời của Yến”... Trong những năm gần đây, một số bộ phim Việt Nam do các hãng phim tư nhân sản xuất đã thu hút khách đón xem, đạt doanh thu cao và được đánh giá tốt về chất lượng như: “Em chưa 18”, “Hai Phượng”, “Mắt biếc”, “Bố già”.

 

Về ngành Du lịch văn hóa: Số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt khi từ 12,9 triệu lượt khách năm 2017, 15,5 triệu lượt khách năm 2018, đến năm 2019 tăng lên 18 triệu lượt khách. Số lượng khách du lịch nội địa cũng tăng mạnh đạt 73,2 triệu lượt khách năm 2017, 80 triệu lượt khách năm 2018, 85 triệu lượt khách năm 2019 (tăng 16.1 so với năm 2017) và lên tới 101,3 triệu lượt khách năm 2022 (tăng 38,4 % so với năm 2017 và 19,2% so với năm 2019). Về tổng thu từ khách du lịch, năm 2017 ngành du lịch Việt Nam đạt doanh thu khoảng 510.900 tỷ đồng, đến năm 2019 con số này đã tăng trưởng và đạt tới 726.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2018 và tăng 42,1 % so với năm 2017. Tuy nhiên, đến năm 2022 tổng thu từ khách du lịch mới chỉ đạt 495.000 tỷ đồng (do ảnh hưởng của dịch Covid, doanh thu các năm 2020, 2021 giảm mạnh). Nhìn chung, số lượng khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch có sự phát triển tốt, tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2017-2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam đã chững lại trong hai năm 2020 và 2021. Năm 2022, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, tuy số lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt được như trước khi có dịch bệnh, nhưng đến nay du lịch Việt Nam đã từng bước hồi phục với kết quả khả quan, trong đó số lượt khách du lịch nội địa tăng mạnh so với các năm trước.

 

Về ngành Nghệ thuật biểu diễn: Các đơn vị nghệ thuật trung ương đã tổ chức 3.732 buổi biểu diễn trong năm 2017, 3.883 buổi năm 2018, 3.389 buổi năm 2019, 382 buổi năm 2021 (năm 2020, 2021 giảm mạnh do dịch bệnh bùng phát); đến năm 2022 số buổi biểu diễn đã tăng dần lên 1.682 buổi. Các đơn vị nghệ thuật địa phương đã tổ chức 7.027 buổi biểu diễn trong năm 2017, 6.858 buổi năm 2018, 7.094 buổi năm 2019, 1.589 buổi năm 2021; đến năm 2022 số buổi biểu diễn đã tăng mạnh đạt 8.979 buổi. Về doanh thu từ việc bán vé, các đơn vị nghệ thuật trung ương trong năm 2017 đã thu khoảng 105 tỷ đồng, năm 2019 đã giảm xuống còn 72,3 tỷ đồng và tiếp tục giảm xuống còn 60 tỷ đồng năm 2020, 55,5 tỷ đồng năm 2021 và 35,3 tỷ đồng năm 2022. Trong khi đó, các đơn vị nghệ thuật của địa phương cũng giảm về doanh thu, năm 2017 thu được 67 tỷ đồng, năm 2019 xuống còn 52,5 tỷ đồng, đến năm 2021 doanh thu tiếp tục giảm xuống còn khoảng 12,6 tỷ đồng (năm 2020, 2021 doanh thu giảm mạnh do dịch bệnh); năm 2022 doanh thu đạt 36,2 tỷ đồng tăng lên so với năm 2019. Qua số liệu nói trên, có thể thấy rằng xu hướng phát triển lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật trung ương và địa phương không ổn định, như số buổi biểu diễn có tăng nhưng doanh thu giảm xuống từ năm 2018 đến 2021; riêng năm 2022 bắt đầu có chiều hướng tăng lên. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do các chính sách và quy định pháp luật trong lĩnh vực này chưa đồng bộ; nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu về số lượng và chất lượng. Các hoạt động sáng tạo, sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong ngành nghệ thuật biểu diễn dễ bị tác động bởi suy thoái kinh tế, dịch bệnh dẫn đến ảnh hưởng lớn về doanh thu.

 

Về ngành Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm: Năm 2017 thẩm định, cấp phép tổ chức 103 cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Năm 2018 tổ chức 11 cuộc thi mỹ thuật, nhiếp ảnh quy mô quốc gia và quốc tế; thẩm định, cấp phép tổ chức 152 cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Năm 2019 tổ chức 10 cuộc thi mỹ thuật, nhiếp ảnh quy mô quốc gia và quốc tế; thẩm định, cấp phép tổ chức 146 cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Năm 2020 thẩm định, cấp phép tổ chức 106 sự kiện mỹ thuật, 73 sự kiện nhiếp ảnh, 149 sự kiện triển lãm. Năm 2021 thẩm định, cấp phép 64 sự kiện mỹ thuật, 89 sự kiện nhiếp ảnh, 195 sự kiện triển lãm. Năm 2022 thẩm định, cấp phép tổ chức 54 sự kiện triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trong những năm qua được tổ chức đa dạng, phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước và nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của nhân dân. Các cuộc triển lãm, trưng bày ảnh nghệ thuật phản ánh mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, phục vụ công tác tuyên truyền và nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng. Các hội chợ thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng hóa mang thương hiệu của vùng, miền đã đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và du khách.

 

Về nguồn nhân lực: Tính đến ngày 30/6/2021, tổng số nhân lực ngành văn hóa, thể thao và du lịch là 899.950 người, trong đó lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là 19.751 người; lĩnh vực thể dục thể thao là 10.199 người; lĩnh vực du lịch là 870.000 người. Cả nước có 14.935 trí thức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch…

 

Có thể nói, sau khi Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt, nhận thức của các bộ, ngành, địa phương về tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đã được nâng cao. Nhiều di sản văn hóa, công trình di tích lịch sử - văn hóa được quan tâm đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy bền vững giá trị gắn kết với phát triển du lịch. Nhiều cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh làng nghề truyền thống đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, phát huy được lợi thế của ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; đồng thời gắn liền quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam góp phần bảo vệ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trong quá trình giao lưu hội nhập và hợp tác quốc tế. Nhiều dịch vụ, sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch văn hóa được hình thành, phát triển và trở thành các sản phẩm đặc sắc riêng của địa phương, góp phần tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp văn hóa…./.

 

Trịnh Minh