Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Kết quả thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Ngày đăng: 03/06/2023  18:11
Mặc định Cỡ chữ
Đến ngày 31/5/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội ước giải ngân 5/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình đạt 18.021 tỷ đồng cho hơn 345 nghìn lượt khách hàng vay vốn.

 

Sau gần 1,5 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ, các Bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, nỗ lực xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chương trình. Đến nay, đã triển khai, hoàn thành khối lượng lớn công việc, xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện, cơ bản phù hợp với tình hình triển khai thực tế. Giải ngân các chính sách thuộc Chương trình cũng đạt kết quả đáng ghi nhận, một số chính sách đạt kết quả giải ngân cao, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

 

Tuy nhiên, tình hình triển khai một số chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã hết thời gian thực hiện, một số chính sách có kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra. Do thời gian còn lại để thực hiện Chương trình không nhiều (đến hết năm 2023), các cấp, các ngành cần nhanh chóng đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách còn thời gian thực hiện nhằm phát huy cao nhất hiệu quả nguồn lực đã được Quốc hội quyết nghị.

 

Về tình hình thực hiện, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình, thống kê sơ bộ, ước giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình đến nay đạt hơn 88,8 nghìn tỷ đồng, cụ thể như sau:

 

Đối với các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội: Đến ngày 31/5/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội ước giải ngân 5/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình đạt 18.021 tỷ đồng cho hơn 345 nghìn lượt khách hàng vay vốn, trong đó: Cho vay mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến đạt 834 tỷ đồng cho hơn 88,4 nghìn khách hàng, cho vay Nhà ở xã hội đạt 5.656 tỷ đồng cho hơn 15,8 nghìn khách hàng, cho vay hỗ trợ việc làm đạt 10 nghìn tỷ đồng cho hơn 211 nghìn khách hàng vay vốn tạo việc làm, cho vay cơ sở giáo mục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 171 tỷ đồng cho hơn 2,6 nghìn cơ sở giáo dục, cho vay Chương trình đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 1.360 tỷ đồng cho hơn 27,5 nghìn khách hàng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ lãi suất cho vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đối với khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm là 1.724 tỷ đồng.

 

Đối với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động: Đến nay đã hết thời hạn thực hiện chính sách, Bộ Tài chính đã bổ sung khoảng 4.302 tỷ đồng cho 41 địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg.

 

Đối với chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, đến hết tháng 3 năm 2023, các ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất hơn 327 tỷ đồng, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt gần 91.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 51.000 tỷ đồng cho gần 1.900 khách hàng.

 

Đối với các chính sách miễn giảm thuế, phí; gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất: Đã miễn, giảm các loại thuế, phí là 57.067 tỷ đồng, bằng 89,2% số dự kiến khi xây dựng Chương trình (64 nghìn tỷ đồng). Hiện nay, các chính sách miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí đã hết thời hạn thực hiện. Đã gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất theo các nghị định của Chính phủ trong năm 2022 là 114.523 tỷ đồng. Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng (theo số liệu báo cáo từ tháng 6/2022).

 

Về tình hình phân bổ, giải ngân vốn chi đầu tư phát triển thuộc Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 1113/QĐ-TTg ngày 21/9/2022 và Quyết định số 202/QĐ-TTg ngày 08/3/2023 về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, theo đó đã giao 161.848 tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình để thực hiện 223 nhiệm vụ, dự án.

 

Đối với kế hoạch năm 2022, ngày 12/10/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1198/QĐ-TTg về giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, theo đó đã giao tổng số vốn 38.155 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình cho 04 nhiệm vụ thuộc Chương trình và 254 dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

 

Đối với kế hoạch năm 2023, căn cứ Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023, căn cứ số liệu báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án là 111.547,518 tỷ đồng, trong đó phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình là 105.023,866 tỷ đồng, phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 6.523,652 tỷ đồng.

 

Về số vốn chưa giao kế hoạch cho các nhiệm vụ, dự án của Chương trình (14.152 tỷ đồng): Chính phủ đã có các Tờ trình số 231/TTr-CP và Tờ trình số 06/TTr-CP ngày 16/5/2023 trình Quốc hội về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình, trong đó kiến nghị: Cho ý kiến đối với phương án phân bổ số vốn 13.369,468 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao vốn. Đối với 782,217 tỷ đồng còn lại, trình Quốc hội: Cho phép tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Đầu tư hạ tầng ổn định đời sống nhân dân của xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận với số vốn dự kiến bố trí 273 tỷ đồng. Không tiếp tục phân bổ đối với số vốn 509,217 tỷ đồng còn lại.

 

Về kế hoạch vốn đã giải ngân của Chương trình, ước đến ngày 31/5/2023 giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình đạt 23.115,824 tỷ đồng, bằng 16,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao./.

 

                                                                                      Trịnh Minh