Thứ 7, Ngày 27/07/2024 -

Kon Tum sẵn sàng cho Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên
Ngày đăng: 28/11/2023  20:11
Mặc định Cỡ chữ
Tối ngày 29/11, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I sẽ chính thức bắt đầu. Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức ở khu vực Tây Nguyên và tỉnh Kon Tum vinh dự được chọn đăng cai tổ chức. Ngày hội với nhiều sự kiện có nội dung đặc sắc, độc đáo mang đậm nét văn hóa riêng có của các dân tộc trong vùng, hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo người dân và du khách.
Trên một số tuyến phố chính của thành phố Kon Tum

 

Với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ”, trong 3 ngày, từ 29/11 đến ngày 01/12/2023 tại thành phố Kon Tum và các huyện của tỉnh Kon Tum diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc với sự tham gia của gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng và đại biểu các dân tộc hiện đang sinh sống trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng. 

 

Tham dự ngày hội, người dân và du khách sẽ được chiêm ngưỡng, trải nghiệm vẻ đẹp với những nét văn hóa đặc trưng riêng có của từng dân tộc; hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với những lễ hội truyền thống, ẩm thực, trang phục; chứng kiến các cuộc tranh tài của những chàng trai, cô gái qua các hoạt động thể thao quần chúng; khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, con người vùng đất Bắc Tây Nguyên Kon Tum qua việc tham gia các tour, tuyến du lịch.

 

Lễ Khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum, năm 2023 sẽ diễn ra vào lúc 20h tối ngày 29/11. Các khâu chuẩn bị được gấp rút hoàn thành; người dân, du khách đang háo hức chờ đón Ngày hội.

 

Quảng trường 16/3, thành phố Kon Tum là địa điểm tổ chức Lễ Khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum, năm 2023. Đội ngũ kỹ thuật và công nhân đang gấp rút thực hiện những khâu cuối cùng trong lắp ráp sân khấu và trưng bày sản phẩm văn hoá, sản phẩm COP của các địa phương.

 

Nghệ sĩ ưu tú Phạm Văn Hân - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh cho biết, sân khấu của Quảng trường có quy mô rộng lớn trên 34m2. Đơn vị thi công cơ bản hoàn thành nối các khối hình với nhau, trang bị màn hình led, thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại để có thể đáp ứng được yêu cầu trình chiếu. Từ đó, giúp các phần lễ, tiết mục nghệ thuật có sự tương tác về mặt hình ảnh tốt nhất. Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh còn huy động thêm một số đơn vị chuyên phục vụ âm thanh, ánh sáng để đảm bảo cho đêm Khai mạc diễn ra tốt nhất, mang lại hiệu quả nhất.

 

Để chuẩn bị cho các hoạt động chính thức của Ngày hội, tỉnh Kon Tum còn chú trọng việc tạo dựng cảnh quan, tuyên truyền trực quan. Tại các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố Kon Tum được bố trí nhiều pano, khẩu hiệu, băng rôn và cờ hoa, thể hiện niềm vui mừng, phấn khởi, hân hoan chào đón các đại biểu, người dân và du khách về tham gia vào các hoạt động của Ngày hội.

 

Hiện nay, toàn thành phố Kon Tum đã hoàn thiện trang trí 14 cụm pano tuyên truyền cố định; 10 cụm mô hình di động; 14 băng rôn và hệ thống cờ màu và 150 tác phẩm tranh cổ động tại tuyến đường Trần Phú, Bà Triệu, Duy Tân, khu vực Quảng Trường 16/3.... Nội dung giới thiệu về Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên; văn hóa cồng chiêng, không gian lễ hội truyền thống; thành tựu kinh tế, xã hội.

 

Ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum (cơ quan Thường trực Ngày hội) thông tin, đến nay công tác chuẩn bị cho Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023 tại tỉnh Kon Tum cơ bản hoàn thành, các nội dung đề được chuẩn bị rất chu đáo. Các thành viên của Ban Tổ chức theo kế hoạch chỉ đạo của Ban Tổ chức đã triển khai các công tác như tuyên truyền trên đường phố, tuyên truyền trên các kênh truyền thông; đã chuẩn bị xong cho Lễ Khai mạc Ngày hội, Lễ khai mạc chung các hoạt động trong Ngày hội; công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, y yế và cũng đã phân công các thành viên trong công tác đón tiếp đại biểu, đón các nghệ nhân của các đoàn về tham gia Ngày hội. Từ nay đến thời điểm diễn ra khai mạc, Ban Tổ chức, các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát lại công tác chuẩn bị rà soát lại các nhiệm vụ cũng đang được để hoàn chỉnh.

 

Nét đặc sắc của Ngày hội không chỉ là một chương trình Nghệ thuật mang tính giải trí hoành tráng mà còn là các hoạt động văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Tây Nguyên do chính đồng bào giới thiệu qua các nghi lễ tái hiện lại các lễ hội và trình diễn lại các nhạc cụ dân tộc cũng như là trình diễn về trang phục truyền thống của dân tộc mình trong Ngày hội.

 

Riêng đêm Khai mạc có sự hòa điệu của truyền thống và đương đại; trong đó sự góp mặt của các nghệ sỹ đến từ các tỉnh Tây Nguyên, đội Trống của Học viện Cảnh sát Nhân dân và hơn 100 nữ học sinh trường dân tộc nội trú tỉnh và gần 600 nghệ nhân của các tỉnh Tây Nguyên.

 

Ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết thêm: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên là điều kiện tốt để chúng ta quảng bá, giới thiệu về các di sản văn hóa của đồng bào các DTTS tại Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Bên cạnh đó, còn giới thiệu, quảng bá về các điểm đến của Kon Tum gắn với việc phát triển và du lịch, nhất là trải nghiệm văn hóa và khám phá thiên nhiên.

 

Dương Nương