Thứ sáu, Ngày 09/05/2025 -
Tổ đại biểu huyện Kon Plông và TP. Kon Tum thảo luận |
Trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu kỹ, phân tích, đánh giá về kết quả, cũng như tồn tại, hạn chế trong phát triển KT-XH, QP-AN năm 2023, từ đó đề xuất những giải pháp sát thực để khắc phục, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo. Cùng với đó, các đại biểu cũng tích cực tham gia góp ý vào các báo cáo, dự thảo nghị quyết quan trọng, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi triển khai thực hiện.
Tham gia thảo luận tại tổ, các đại biểu đều đồng tình, thống nhất cao với kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023, nhiệm vụ năm 2024 do UBND tỉnh trình tại kỳ họp. Theo đánh giá, mặc dù gặp những khó khăn nhất định, nhưng với ý chí và hành động, tinh thần dám nghĩ, dám làm, kỷ luật, kỷ cương, nhất là sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) năm 2023 (giá so sánh năm 2010) ước khoảng 18.939 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 7,32%, đứng thứ 22 cả nước và thứ nhất khu vực Tây Nguyên.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ |
Tại Phiên thảo luận, các đại biểu HĐND tỉnh đã tham gia đóng góp các ý kiến đối với một số Báo cáo, dự thảo Nghị quyết liên quan đến các vấn đề có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Đề nghị UBND tỉnh đánh giá cụ thể về diện tích quy hoạch trồng Sâm Ngọc Linh; hiệu quả trồng Sâm Ngọc Linh của người dân; việc đào tạo tập huấn kỹ thuật cho người dân trồng, chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh; cần có đánh giá cụ thể về việc triển khai thực hiện việc cải tạo vườn tạp của người dân ở khu dân cư. Trách nhiệm về việc hướng dẫn, cung ứng giống cho người dân tham gia; UBND tỉnh cần có chỉ đạo quyết liệt, căn cơ để khắc phục, xử lý tình trạng trẻ em bị đuối nước, xâm hại tình dục, bạo hành, trẻ vị thành niên sử dụng ma túy, lừa đảo qua không gian mạng.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị cơ quan liên quan giải trình rõ nguyên nhân vì sao tổng số người hoạt động không chuyên trách cấp xã tăng thêm 01 người so với Nghị quyết 57/NQ-HĐND ngày 01/11/2023 về số lượng CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên địa bàn tỉnh năm 2023; UBND tỉnh cần sớm có chỉ đạo xây dựng bản đồ thổ nhưỡng để các địa phương xác định cây trồng chủ lực của địa phương cho phù hợp. Đối với chức danh Văn thư - Lưu trữ - Thủ quỹ, đề nghị nâng mức phụ cấp lên ở khung cao nhất (hệ số 1,5) vì trên thực tế chức danh này kiêm nhiệm nhiều việc và thời gian làm việc nhiều hơn so với các chức danh khác.
Hiện nay, tình trạng xuống cấp đạo đức ở thế hệ trẻ là một vấn đề đáng để quan tâm, đề nghị nhìn nhận đánh giá cụ thể hơn trong vai trò của Nhà trường, gia đình và xã hội; chỉ đạo ngành giáo dục tổ chức 01 Hội thảo cụ thể để tìm giải pháp định hướng đạo đức, hành vi học sinh trong nhà trường.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay còn nhiều vị trí quy hoạch dân cư chưa phù hợp, chưa lấy ý kiến đầy đủ khu dân cư; do đó, sau khi quy hoạch chung của tỉnh được phê duyệt cần chỉ đạo rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với thực địa, thực tế. Việc thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng hiện nay vẫn còn chậm, chưa có sự đồng thuận cao của người dân; do đó cần có giải pháp phù hợp để khi triển khai nhận được sự đồng thuận cao nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng có ý kiến liên quan đến việc thực hiện các Chươg trình MTQG; công tác bảo vệ môi trường; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân; giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người đồng bào DTTS....
Trong phiên họp ngày mai (07/12), buổi sáng, các đại biểu tiến hành phiên họp lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu và buổi chiều các đại biểu sẽ thảo luận tại Hội trường.
Minh Huệ
Tin tức liên quan