Thứ 4, Ngày 02/04/2025 -

Tình hình tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm
Ngày đăng: 06/02/2025  14:02
Mặc định Cỡ chữ
Do chịu tác động của tình hình ma túy trên thế giới và khu vực, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, liên tục thay đổi, manh động sẵn sàng trang bị các loại vũ khí, chống trả, gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, bắt giữ.

 

Năm 2024, tình hình ma túy toàn cầu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng suy thoái kinh tế, căng thẳng chính trị, xung đột vũ trang tại nhiều khu vực... Bên cạnh đó, sự bùng nổ các dịch vụ trực tuyến và không gian mạng tạo điều kiện để tội phạm ma túy thay đổi phương thức hoạt động, dễ dàng tiếp cận các tiền chất và hóa chất thiết yếu cho việc sản xuất ma túy, mua bán bất hợp pháp các chất ma túy; đặc biệt đã xuất hiện nhiều loại ma túy “cực độc” có nguy cơ gây tử vong cao". Các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy mở rộng hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy tại nhiều quốc gia, khu vực với tính liên kết giữa các thị trường ma túy ngày càng chặt chẽ hơn làm cho nguồn cung ma túy toàn cầu tiếp tục gia tăng.

 

Tại Việt Nam, do chịu tác động của tình hình ma túy trên thế giới và khu vực, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, liên tục thay đổi, manh động, sẵn sàng trang bị các loại vũ khí, chống trả, gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, bắt giữ.

Đáng chú ý: Tuyến Tây Bắc được xác định là tuyến trọng điểm, phức tạp do chịu ảnh hưởng trực tiếp của tình hình tội phạm ma túy từ khu vực Tam giác vàng. Nguồn ma túy chủ yếu được vận chuyển từ khu vực Tam giác vàng qua các tỉnh Bò Kẹo, U Đôm Xay về khu vực biên giới các tỉnh Luông Pha Băng, Phong Sa Lỳ, Hua Phăn của Lào tiếp giáp với Việt Nam; khi có cơ hội các đối tượng vận chuyển ma túy qua biên giới vào các tỉnh Sơn La, Điện Biên. Bên cạnh đó, các đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm lẩn trốn tại địa bàn huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cấu kết, móc nối với các đối tượng trong nước và các đối tượng ở các nước Lào, Myanmar, Trung Quốc để hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào vào Việt Nam và đưa sang Trung Quốc tiêu thụ...

 

Tuyến Đông Bắc có dấu hiệu phức tạp trở lại, trở thành nơi tập trung các đầu mối tiêu thụ; dễ phát sinh các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Thời gian gần đây, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Việt Nam sang Trung Quốc qua biên giới đường bộ (Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn) có dấu hiệu gia tăng. Một số điểm trên hàng rào biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc bị người dân phá dỡ làm đường mòn đi lại được các đối tượng lợi dụng để vận chuyển ma túy sang Trung Quốc. Các đối tượng thường móc nối với người Lào, người Trung Quốc, hình thành các đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy khép kín hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia.

 

Tuyến Bắc miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục diễn biến phức tạp với nguồn ma túy được mua bán, vận chuyển trái phép từ Lào, Campuchia vào nội địa. Các đối tượng trong nước câu kết với các đối tượng sống ở khu vực giáp biên để điều hành hoạt động mua bán ma túy; đồng thời thuê các nhóm người Lào vận chuyển trái phép ma tuý qua biên giới vào địa bàn các tỉnh giáp biên Việt Nam. Đặc biệt đã phát hiện số lượng lớn (hàng tấn) ma túy tổng hợp được một số đối tượng người Trung Quốc mở xưởng điều chế, sản xuất ngay tại Lào; sau đó vận chuyển vào Việt Nam rồi vận chuyển đi nước thứ ba (Đài Loan - Trung Quốc). Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng các đối tượng cất giấu ma túy trong các vali được vận chuyển bằng xe ô tô qua cửa khẩu vào Việt Nam.

 

Tuyến Tây Nam: Các đối tượng gia tăng hoạt động vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng vào Campuchia; tiếp tục biến Campuchia trở thành một trong những địa bàn sản xuất, điều chế ma túy tổng hợp (chủ yếu là ketamine), tạo ra áp lực lớn đối với tình hình ma tuý ở nước ta. Bên cạnh đó, tình hình người Việt phạm tội về ma túy tại Campuchia có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trong đó, nhiều đối tượng thường xuyên qua lại Campuchia làm ăn, sinh sống, cầm đầu hoặc câu kết với đối tượng người Trung Quốc hình thành các đường dây vận chuyển ma túy từ Campuchia (qua các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bình Phước, An Giang) và từ Lào (qua các tỉnh Bắc miền Trung) về địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh (Bình Dương, Đồng Nai, Long An...); sau đó được phân phối cho các “đại lý” mua bán và đầu mối tiêu thụ tại các tỉnh, thành phía Nam hoặc để ngụy trang trong các loại hàng hóa rồi dùng các công ty do các đối tượng thành lập để xuất đi nước thứ 3 tiêu thụ (như: Úc, Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản...).

 

Tuyến hàng không, bưu điện diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh, ký gửi hàng hóa qua tuyến hàng không sân bay quốc tế Nội Bài (TP. Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), Đà Nẵng từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ để ngụy trang cất giấu ma túy vận chuyển vào trong nước. 

 

Tuyến đường biển tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ ma túy trôi dạt trên khu vực biển miền Trung, miền Nam, trong đó có vụ ma túy gắn thiết bị định vị GPS. Các đối tượng lợi dụng tuyến đường biển, sử dụng tàu, thuyền đi đến vùng biển quốc tế giáp ranh với Việt Nam để mua bán, giao nhận ma túy hoặc thả các bao, phao cứu sinh cất giấu ma túy, có gắn định vị GPS theo luồng nước hoặc thả trôi ma túy tại các tọa độ, vị trí quy ước trước; sau đó thông báo cho các đối tượng khác theo định vị nhận ma túy. Đặc biệt, trên tuyến xuất hiện tình trạng các nhóm đối tượng cung cấp trái phép chất ma túy cho ngư dân, lao động làm thuê trên các tàu cá (chủ yếu trên khu vực biển miền Trung, phía Nam).

 

Tình hình tội phạm ma túy hoạt động với phương thức thủ đoạn mới, lợi dụng công nghệ cao, nhất là không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp. Xuất hiện tình trạng sử dụng thiết bị máy bay không người lái (flycam) để vận chuyển trái phép chất ma túy. Đặc biệt, các đối tượng gia tăng sử dụng các hội nhóm mạng xã hội (như: zalo, facebook, telegram...) để quảng cáo, giao dịch, mua bán, lôi kéo, rủ rê, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Số điểm, tụ điểm về ma tuý trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Trong năm 2024, Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh ngăn chặn 662 hội nhóm, fanpage, các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội facebook có hoạt động quảng cáo, mua bán trái phép chất ma túy với hàng chục nghìn lượt người theo dõi, hàng trăm bài đăng mỗi ngày./.

 

                                                                                          Trịnh Minh

  • Diện tích tỉnh Kon Tum

    9.690,5 km2
  • Dân số tỉnh Kon Tum (2023)

    591.266 người
  • GRDP tỉnh Kon Tum (2023)

    34.539,87 tỷ VNĐ
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Kon Tum
Theo bạn nội dung cung cấp trên cổng thông tin điện tử như thế nào?