Thứ 5, Ngày 03/04/2025 - 16:36:38
Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu, đề xuất, triển khai dự án phát triển hydrogen tại Việt Nam. Mặc dù, hầu hết các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và nghiên cứu, chưa đi vào vận hành thương mại nhưng đã mang lại nhiều dấu hiệu tích cực để hiện thực hoá các mục tiêu đề ra tại Chiến lược.
Ngày sau khi Chiến lược năng lượng hydrogen được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao và các công việc liên quan. Đã tổ chức phổ biến đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về nội dung Chiến lược năng lượng hydrogen dưới nhiều hình thức. Xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen. Chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2024, trong đó chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách liên quan đến việc xây dựng, ban hành các quy định, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng hydrogen. Chủ động cập nhật tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới; nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp nâng cao năng lực, kỹ thuật công nghệ trong lĩnh vực hydrogen. Tăng cường, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tận dụng, tìm kiếm sự hợp tác với các tổ chức, nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hydrogen...
Một số nhiệm vụ, công việc cụ thể đã và đang được các Bộ, ngành triển khai
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược năng lượng hydrogen với sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, địa phương (trực tuyến với 63 tỉnh/thành), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp lớn trong ngành năng lượng, các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp ngành năng lượng, các Tổ chức quốc tế (USAID, GIZ,...).
Nghiên cứu, đưa nội dung về chính sách phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới (bao gồm năng lượng hydrogen) trong Luật Điện lực số 61/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV ban hành nhằm tạo nền tảng pháp lý vững chắc, minh bạch, thuận lợi tạo đà cho phát triển bền vững năng lượng mới và tái tạo.
Nghiên cứu, đề xuất tại dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) quy định các dự án sản xuất hóa chất hydro, amoniac từ nguồn năng lượng tái tạo (có quy mô vốn đầu tư và tiến độ giải ngân theo quy định của Chính phủ) sẽ được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định tại Luật Đầu tư và quy định của luật khác có liên quan. Hiện nay, dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2025/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới (bao gồm quy định về các cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển năng lượng hydrogen xanh).
Đã và đang rà soát Chiến lược phát triển ngành diện lực để đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa Chiến lược năng lượng hydrogen và các Chiến lược, Quy hoạch có liên quan, trong đó đã cập nhật các nội dung nhằm tạo thuận lợi cho phát triển năng lượng có nguồn gốc hydrogen, khuyến khích các hộ tiêu thụ chuyển đổi công nghệ sang sử dụng năng lượng có nguồn gốc hydrogen. Hiện nay, Đề án Chiến lược phát triển ngành điện lực đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Với vai trò là Bộ quản lý chuyên ngành, Bộ Công Thương đã chủ động nghiên cứu, xây dựng Báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam, bao gồm một số cơ chế, khuyến nghị cụ thể để hoàn thiện và bổ sung chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, phát triển công nghệ sản xuất hydrogen xanh, góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững và hiệu quả gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Thành lập Nhóm Công nghệ và Năng lượng (các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các Tập đoàn, doanh nghiệp) triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để tìm kiếm sự hợp tác với các tổ chức, nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hydrogen,... Triển khai một số hoạt động nghiên cứu việc chuyển đổi nhiên liệu cho quá trình luyện thép từ than sang hydrogen; xây dựng các quy định kỹ thuật an toàn trong sản xuất, chiết nạp và lưu trữ hydro; các yêu cầu kỹ thuật trong ngành công nghiệp năng lượng hydrogen...
Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đang triển khai các nhiệm vụ cụ thể về cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh trong giao thông vận tải.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tham gia Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29); phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc cho ý kiến đối với các hồ sơ, dề xuất dự án phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong đó có các dự án phát triển năng lượng hydrogen.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực phổ biến tới các Sở, ban, ngành trực thuốc thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen; xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực hydrogen; một số địa phương có dự án đầu tư đã chủ động triển khai các nhiệm vụ theo thẩm quyền.
Các Tập đoàn, doanh nghiệp đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao; đang triển khai nghiên cứu việc chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy điện than, khí, các quá trình luyện thép, sản xuất đạm, giao thông vận tài sang sử dụng hydrogen, amoniac; nghiên cứu xây dựng quy trình phối trộn, vận chuyển và phân phối green hydrogen với khí thiên nhiên trên cơ sở hạ tầng đường ống, công trình khí sẵn có; tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và tìm kiếm các nguồn hỗ trợ để triển khai dự án năng lượng hydrogen…
Có thể nói, sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu, đề xuất, triển khai dự án phát triển hydrogen tại Việt Nam. Mặc dù, hầu hết các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và nghiên cứu, chưa đi vào vận hành thương mại nhưng đã mang lại nhiều dấu hiệu tích cực để hiện thực hoá các mục tiêu đề ra tại Chiến lược.
Hiện nay, có một số dự án sản xuất hydrogen xanh đã được Chủ đầu tư triển khai (Dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh Trà Vinh, Dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh Bến Tre, Dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh Bạc Liêu, Dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh Tiền Giang) với tổng công suất khoảng 120.000 tấn hydrogen/năm. Bên cạnh đó, có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang phối hợp với các địa phương để nghiên cứu, khảo sát, đề xuất các dự án sản xuất hydrogen như tại Bình Định (20.000 tấn/năm), Long An (249 tấn/năm), Ninh Thuận, Quảng Bình, Quảng Trị, Sóc Trăng, thành phố Hồ Chí Minh,... Như vậy, công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ các-bon cơ bản đạt mục đề ra trong giai đoạn đến năm 2030 (đạt khoảng 100-500 nghìn tấn/năm).
Các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đang tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng cơ chế, chính sách; khoa học công nghệ phát triển nhân lực; hợp tác quốc tế; xúc tiến đầu tư; chuyển đổi nguyên, nhiên liệu của các quá trình sản xuất, chế biến sang sử dụng hydrogen; nâng cao ứng dụng của hydrogen;... nỗ lực để đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Bên cạnh những kết quả đã được hết sức tích cực, việc triển khai thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen vẫn gặp phải một khó khăn, vướng mắc, đó là:
Về nhu cầu sử dụng, hiện nay, ứng dụng của hydrogen tại Việt Nam còn tương đối hạn chế, tập trung chủ yếu trong công nghiệp lọc hoá dầu và sản xuất đạm với sản lượng nhỏ. Chưa có nhu cầu sử dụng hydrogen xanh. Nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu thúc đẩy phát triển hydrogen xanh, song chủ yếu vẫn ở giai đoạn thử nghiệm nên nhu cầu của các nước trên thế giới còn hạn chế.
Về thu hút đầu tư, thu xếp, huy động vốn, mặc dù hydrogen được xem là nguồn năng lượng có nhiều tiềm năng trong thời gian tới, tuy nhiên giá thành sản xuất hydrogen rất cao (cao hơn nhiều so với các loại năng lượng truyền thống) nên các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành chưa đủ để thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng (chính sách ưu đãi thuế, sử dụng đất, nhập khẩu thiết bị; hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, phát triển thị trưởng; phát triển hạ tầng lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng hydrogen trong các lĩnh vực. . . .). Việc đầu tư vào các dự án năng lượng hydrogen đòi hỏi chi phí ban đầu rất lớn, đặc biệt đối với các công nghệ hiện đại như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời quy mô lớn và sản xuất hydro xanh. Bên cạnh chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, các khoản đầu tư cho công nghệ tiên tiến, thiết bị nhập khẩu và hệ thống lưu trữ năng lượng cũng chiếm tỷ trọng lớn. Các doanh nghiệp còn gặp hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn vốn từ tổ chức tài chính trong và ngoài nước để thực hiện các dự án năng lượng hydrogen quy mô lớn. Các dự án điện gió ngoài khơi thường gắn với sản xuất hydrogen xanh được lùi thời điểm thực hiện sau năm 2030 (theo dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh).
Về công nghệ, hạ tầng, Hydrogen là lĩnh vực mới, công nghệ hiện đại nên cần thời gian để nghiên cứu, nâng cao năng lực, làm chủ công nghệ. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hydrogen đang trong quá trình hoàn thiện. Hạ tầng tồn chứa, vận chuyển và phân phối hydrogen tại Việt Nam chưa phát triển.
Về quy hoạch, việc quy hoạch tổng công suất các dự án sản xuất hydrogen theo từng phân vùng (miền Bắc, miền Trung, miền Nam) tại Quy hoạch năng lượng quốc gia cần được rà soát, xem xét lại để phù hợp với bối cảnh thực tế, do các dự án sản xuất hydrogen cần được quy hoạch tại các địa điểm có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (miền Trung, miền Nam) để phát triển các dự án năng lượng tái tạo cung cấp cho dự án sản xuất hydrogen…./.
Trịnh Minh
Tin tức liên quan
Diện tích tỉnh Kon Tum
9.690,5 km2Dân số tỉnh Kon Tum (2023)
591.266 ngườiGRDP tỉnh Kon Tum (2023)
34.539,87 tỷ VNĐ