Thứ sáu, Ngày 27/09/2024 -

Kon Tum đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Ngày đăng: 26/09/2024  15:24
Mặc định Cỡ chữ
Trong những năm gần đây, tỉnh Kon Tum đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên địa bàn. Kết quả đạt được còn khiêm tốn nhưng đã có những tín hiệu đáng khích lệ.

 

Về mặt chính sách, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 21/01/2021 về Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 2763/KH-UBND ngày 21/10/2019 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST giai đoạn 2020-2025; đặc biệt, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 quy định nội dung và mức chi thực hiện Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Các văn bản này tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp phát triển.

 

Đối với công tác đào tạo, từ 2017 đến 2024, tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho cán bộ, công chức, đoàn viên thanh niên, sinh viên và đại diện các dự án khởi nghiệp. Riêng năm 2023 và 2024, mỗi năm tỉnh tổ chức 1 khóa đào tạo về khởi nghiệp.

 

Hoạt động truyền thông cũng được chú trọng đẩy mạnh; các cơ quan báo chí địa phương đã tích cực tuyên truyền về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đưa tin về hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn. Sở KH&CN đã phát hành 500 cuốn sổ tay khởi nghiệp, thiết lập fanpage hỗ trợ khởi nghiệp trên Facebook. Mô hình cà phê "khởi nghiệp - doanh nhân" cũng được duy trì thường xuyên.

 

Về tổ chức sự kiện, tỉnh đã tổ chức thành công cuộc thi khởi nghiệp ĐMST và ngày hội khởi nghiệp ĐMST vào các năm 2020 và 2022. Các dự án tham gia tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, chế biến dược liệu, công nghệ 4.0, sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương. Trong năm 2023 và 2024, mỗi năm tỉnh tổ chức 01 sự kiện kết nối về khởi nghiệp.

 

Về nguồn lực tài chính, tỉnh đã bố trí 300 triệu đồng từ ngân sách năm 2023 và 100 triệu đồng năm 2024 để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp. Tuy nhiên, việc huy động vốn cho Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh từ các tổ chức, cá nhân còn rất khó khăn.

 

Mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu, hệ sinh thái khởi nghiệp của Kon Tum vẫn còn nhiều hạn chế và còn ở giai đoạn sơ khai. Tỉnh chưa hình thành được "Không gian khởi nghiệp" theo hình thức đối tác công tư để hỗ trợ mặt bằng, văn phòng làm việc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tổ chức sự kiện, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp khởi nghiệp với các tổ chức hỗ trợ và chính quyền.

 

Để khắc phục những hạn chế này, thời gian tới cần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đồng bộ, hoàn chỉnh để kết nối các nguồn lực, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp khởi nghiệp trong cả quá trình phát triển. Đồng thời, cần ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, không gian phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.

 

Với những nỗ lực và định hướng đúng đắn, Kon Tum kỳ vọng sẽ sớm hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST sôi động trong thời gian tới.

 

Diệu Linh