Thứ 5, Ngày 16/01/2025 -
Hiện nay, thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đa số các đơn vị hành chính trên cả nước đều tổ chức cấp chính quyền đô thị gồm Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân dẫn tới tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương các cấp còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chưa bảo đảm mục tiêu tinh gọn.
Quang cảnh kỳ họp Hội đồng nhân dân |
Để thể chế hoá yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về việc "tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; giảm cấp chính quyền; xây dựng mô hình quản trị chính quyền địa phương phù hợp với từng địa bàn"; quán triệt quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc thực hiện “cuộc cách mạng” về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian, dự thảo Luật quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng: Đối với đơn vị hành chính đô thị: Không tổ chức cấp chính quyền (không tổ chức Hội đồng nhân dân) mà chỉ tổ chức chính quyền địa phương là Uỷ ban nhân dân tại quận, phường, thị trấn; Đối với đơn vị hành chính nông thôn: Không tổ chức cấp chính quyền (không tổ chức Hội đồng nhân dân) mà chỉ tổ chức chính quyền địa phương là Uỷ ban nhân dân tại xã.
Theo Bộ Nội vụ, việc đề xuất quy định không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp xã để phù hợp với quan điểm về phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương, trong đó cấp xã là cấp tổ chức thực thi, không ban hành chủ trương, chính sách, biện pháp, do vậy không tổ chức Hội đồng nhân dân (cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương); đồng thời việc thực hiện không tổ chức mô hình Hội đồng nhân dân ở cấp xã cũng bảo đảm tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở, theo đó, tại đơn vị hành chính cơ sở người dân tăng cường thực hiện dân chủ trực tiếp (trực tiếp đối thoại, phản ánh, kiến nghị với Uỷ ban nhân dân cấp xã) mà không cần thông qua cơ quan đại diện; rút ngắn khoảng cách giữa người dân và chính quyền địa phương ở cơ sở.
Bên cạnh đó, hiện nay tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp (nhất là cấp tỉnh) còn chưa tương xứng với vị trí, vai trò và yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của cơ quan đại diện, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định các vấn đề của địa phương, thực hiện giám sát và xu thế đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho địa phương. Phần lớn đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động kiêm nhiệm, một số giữ cương vị lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương... nên đại biểu chưa có nhiều thời gian cho hoạt động của Hội đồng nhân dân. Trong thực hiện quyền giám sát, nhiều đại biểu kiêm nhiệm vừa là chủ thể thực hiện giám sát, vừa là đối tượng chịu sự giám sát nên chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, còn né tránh, ngại va chạm trong chất vấn tại các kỳ họp, các cuộc giám sát nên chất lượng, hiệu quả giám sát có phần hạn chế.
Do đó, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân; dự thảo Luật dự kiến quy định khung về số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách: không quá 25% đối với HĐND cấp tỉnh và 20% đối với HĐND cấp huyện.
Dự kiến dự án Luật này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp bất thường tháng 2/2025.
Mai Anh
(Sở Nội vụ)
Tin tức liên quan