Thứ 7, Ngày 17/05/2025 -

Tâm linh theo vòng đời cây lúa rẫy của người Gia Rai
Ngày đăng: 13/12/2016  10:40
Mặc định Cỡ chữ
Dân không đông, làng không nhiều, song đồng bào Gia Rai chủ yếu là nhánh Chơchon và ARap ở huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum, với nét đẹp truyền thống quý báu của mình đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên. Trong đó, việc cúng tế gắn với tâm linh của người sản xuất theo vòng đời của cây lúa rẫy mang nét đặc sắc riêng, thể hiện sự trân trọng mối giao hòa gần gũi giữa con người và thiên nhiên.

 

Chuẩn bị lễ cúng chặt cây ở làng Kà Bầy, xã Sa Bình - Ảnh: A Tâm

Cũng như các dân tộc thiểu số anh em, lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Gia Rai vùng Bắc Tây Nguyên có cội nguồn là nền văn hóa gắn liền với “văn minh lúa rẫy”. Ông A Hyet ở làng Lung, xã Ia Xia, huyện Sa Thầy cho hay, từ xa xưa, tâm linh, tín ngưỡng của người Gia Rai được thể hiện một cách đơn giản, song rất sinh động, thông qua việc cúng bái theo chu kỳ gieo tỉa và sinh trưởng của cây lúa rẫy. Bắt đầu từ việc chọn đất, phát rẫy, gieo tỉa, đến thời kỳ lúa trổ bông, lúa chín, lúa vào kho…, công đoạn nào cũng gắn với việc cầu Jang (Giàng) đất, Jang nước, Jang lúa …cho mọi điều thuận lợi, may mắn.

Trước hết, ở công đoạn chọn đất để trồng trọt. Ngày trước, đất đai cây cối còn nhiều. Song người Gia Rai ở các xã Ia Xia, Ia Ly, Ia Tăng của huyện Sa Thầy   nằm trong khu vực lòng hồ Ia Ly bây giờ thường chọn đất để gieo tỉa là những vùng rừng núi có nhiều le, nứa. Theo bà con, những vùng này không chỉ nhiều lá mục rơi xuống, đất tốt; mà tre nứa  sau khi phát xuống, cũng được dùng làm chòi để ở rẫy, vừa đơn giản, vừa tiện dụng, không phải mất công đi tìm đâu xa. Theo lý giải của già A Giuh ở làng RWăk, xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum, việc chọn lựa những vùng rừng le để làm rẫy còn có nguồn gốc từ quan niệm thờ thần của người Gia Rai. Mỗi cây to, tảng đá to đều có thần cây, thần đá trú ngụ, nên nếu làm rẫy mà đụng đến cây to, đá lớn là phạm vào điều linh thiêng, không thuận. Muốn đốn hạ để tiện cho việc sản xuất, chủ đất phải có lễ cúng xin thần cây, thần đá. Trước khi quyết định chọn vị trí đất để sản xuất, chủ nhà khấn xin thần  đất và chờ qua đêm, sau giấc ngủ dài, nếu không mơ thấy điều gì bất thường, mới yên tâm về mảnh đất định chọn làm rẫy. Nếu mơ thấy điềm không lành, họ tìm mảnh đất khác.
 
Trong quá trình cúng bái, liên quan đến công đoạn chọn đất, đáng chú ý là có nghi lễ cúng chặt cây (Lang drom kơdâu). Theo anh A Nguyên ở làng Kà Bầy, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, người nhà chuẩn bị rượu ghè, một con gà trống (còn sống), sáng sớm, mang lễ vật  đến gốc cây để cúng Jang kơdâu (Giàng cây). Gia chủ khấn xin thần cây chứng dám lòng thành, mong thần cây vui lòng chuyển đi chỗ khác trú ngụ để  gia đình chặt cây làm rẫy. Gia chủ cũng xin thần cây phù hộ cho  gia đình được mạnh khỏe, an lành, làm rẫy thu được nhiều lúa, lớn bé đều có cái ăn cái mặc…
 
Khi đã chọn được mảnh đất như ý, người nhà  tập trung phát cây, dọn cỏ, phơi khô 2-3 tháng mới đốt rẫy. Trước khi đốt, người nhà không quên thông báo cho bà con trong khu vực biết để tránh cháy lan, gây hỏa hoạn; đồng thời cũng ngầm cậy nhờ hàng xóm, nếu chẳng may xảy ra sự cố thì sẽ được mọi người chung tay dập lửa.
 
Đốt rẫy xong, bước vào công đoạn tỉa lúa (Ple), người Ja Rai có lễ vật gồm gà, rượu để cúng Jang Hri ( Giàng lúa). Không dùng âm lịch như người Kinh, song lễ này  thường diễn ra vào buổi sớm của ngày trăng tròn (plan mi). Lúa rẫy lớn lên, đến giai đoạn trổ bông (Pơ Djirao) là lúc diễn ra lễ “Năng tơ nah”,cúng Jang Hri. Đây là một lễ lớn, mang tính quan trọng nhất trong quá trình sản xuất. Cùng với rượu cần, nhà có rẫy ít nhất phải sắm heo, dê làm lễ vật. Với những gia đình có điều kiện, thì đây cũng là dịp “ăn trâu”, cúng Dàng. Trong làng, mọi người có thể cúng riêng từng gia đình, hay cúng theo từng nhóm hộ cho thêm phần sôm tụ. Trong lễ  “Năng tơ nah”, ăn heo, ăn dê chỉ diễn ra trong 1 ngày; song ăn trâu phải kéo dài 3 ngày.
 
Đến khi lúa chín, các gia đình tiến hành lễ đón lúa mới (đêch  bơ đêi), với lễ vật gồm rượu, gà hoặc heo. Chủ nhà cắt những bông lúa đẹp nhất bó lại, đem về nhà treo lên, trước khi tuốt lúa đại trà. Sau khi thu hoạch, bà con chọn ít lúa tốt để làm giống cho vụ sau; còn phần lớn, đựng vào bao vào teo để ăn. Lúa mới, ngoài một số để ở ngoài, tiện cho việc xay, giã ăn dần; còn lại, được cất vào kho, đóng cửa cẩn thận. Sau khi ăn hết số lúa để ở ngoài kho, gia chủ cũng có một nghi thức nhỏ gọi là “ptrun Jang hri” ( Rước lúa). Không cần lễ vật, họ chỉ khấn, xin cho lúa ra khỏi kho để dùng.
 
Từ điểm đầu chọn đất đến đoạn cuối rước lúa ra khỏi kho, có thể nói, tròn một vòng đời của cây lúa rẫy đã được người Gia Rai gắn bó, tổ chức những hành động thiết thực mang tính tâm linh, cầu may mắn, an lành, suôn sẻ trong suốt quá trình sản xuất.  
 
Không nặng về vật chất hay nhuốm màu mê tín,dị đoan, tín ngưỡng trong quá trình sản xuất theo vòng đời cây lúa rẫy của người Gia Rai, nhìn ở góc độ tích cực, thể hiện tinh thần cần cù, chịu khó của người nông dân; trân trọng sự giao hòa, gắn kết giữa con người và thiên nhiên, coi trọng công sức và thành quả lao động.
 
Tuy không còn phổ biến như trước, nhưng hiện nay, tâm linh theo chu kỳ sản xuất vẫn được biết đến là thói quen sinh hoạt lành mạnh, nét văn hóa độc đáo của người Ja Rai vùng Bắc Tây Nguyên./.
                                                         
Nghĩa Hà