 |
Cao su mới trồng ở Kon Tum |
Cây cao su là cây trồng được đánh giá cao về tính bền vững, tính hiệu quả kinh tế và môi trường sinh thái. Trong những năm qua tỉnh Kon Tum đã có những chủ trương, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cao su. Việc phát triển cây cao su theo chủ trương của Chính phủ và định hướng quy hoạch đã góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy quá trình khai thác quỹ đất trồng cao su, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, tạo thêm nhiều công việc làm, từng bước nhận thức được lợi ích và hiệu quả lâu dài của cây cao su đối với việc phát triển kinh tế hộ gia đình cho nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo rà soát của các địa phương trong tỉnh Kon Tum, hiện có 34,2 ha cao su được người dân tự phát chuyển đổi sang trồng cây khác như cà phê, tiêu.. tại huyện Sa Thầy 10 ha; Ngọc Hồi 6 ha; Đăk Hà 18.2 ha, trong đó, 12 ha là diện tích cao su trong thời kỳ kinh doanh và 22,2 ha là diện tích cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản do vườn cây mật độ không đảm bảo, trồng không đồng đều, sinh trưởng phát triển kém. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cử cán bộ xuống các địa phương tuyên truyền, vận động người dân không nên chặt phá cao su. Đồng thời hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, thâm canh lại những vườn cao su sinh trưởng phát triển kém và hướng dẫn phương pháp khai thác, cạo mủ đúng kỹ thuật.
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có 6 nhà máy sơ chế mủ cao su với tổng công suất 49.500 tấn/năm trong đó nhà máy chế biến mủ cao su Ya Chim của công ty TNHH MTV Cao Su Kon Tum 10.500 tấn/năm, Nhà máy chế biến mủ cao Su của công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum tại huyện Ngọc Hồi 4.500 tấn/năm, Nhà máy chế biến mủ cao su của công ty TNHH Vạn Lợi 6.000 tấn/năm, Nhà máy chế biến mủ cao su của công ty TNHH MTV 732 (Binh đoàn 15) 5.000 tấn/năm; Nhà máy chế biến cao su của công ty TNHH MTV 78 (Binh đoàn I5) 4.000 tấn/năm; Nhà máy chế biến mủ cao su của công ty TNHH MTV Thuận lợi 19.500 tấn/năm). Các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh chỉ sơ chế cao su cốm và tờ. chưa có các nhà máy chế biến tinh và chế biến sâu. Đối với mủ cao su sau khai thác được người trồng cao su bán cho các thương lái thu mua mủ trong và ngoài tỉnh hoặc bán trực tiếp cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh dưới các dạng mủ nước, mủ đông, mủ tạp. Theo thống kê đến cuối năm 2013, tổng diện tích cao su trên địa bàn tỉnhKon Tum đạt 72.869,5 ha; trong đó diện tích cao su kinh doanh 24.270 ha, năng suất đạt 15,6 tạ/ha, sản lượng đạt 37.866 tấn. Năm 2014, dự kiến trồng mới thêm 3.820 ha. Giống cao su được sử dụng chủ yếu trên địa bàn tỉnh Kon Tum là dòng vô tính PB260 chiếm trên 70% tổng diện tích, còn lại một số giống như LH90952 khoảng 20%, còn lại là Rrim600, GT1.... Mức đầu tư cho cây cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản khoảng 14-17 triệu đồng/ha/năm và trong thời kỳ kinh doanh khoảng 12-17 triệu đồng/ha/năm. Từ năm 2010 đến 6 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận bình quân trong sản xuất cao su từ 8,5 - 102 triệu đồng/ha/năm tùy thuộc vào năng suất, giá mủ cao su từng thời điểm.
Diện tích đất quy hoạch phát triển cao su đa số nằm ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn trong mùa mưa nên khó khăn trong việc vận chuyển vật tư, áp dụng cơ giới trong sản xuất, dễ gây xói mòn đất; khó khăn trong, việc xây dựng cơ sở hạ tầng vùng quy hoạch như đường giao thông, đường lô,...; việc sử dụng giống đối với diện tích cao su tiểu điền của người dân tự phát, khó kiểm soát; điều kiện kinh tế xã hội một số địa phương còn khó khăn nên mức độ đầu tư thâm canh vườn cây còn thấp ảnh hưởng đến chất lượng và kéo dài thời gian kiến thiết cơ bản vườn cây.Giá mủ cao su dang xuống thấp nhất trong năm 2014, anh hưởng đến tâm lý đầu tư thâm canh vườn cây cao su của người dân.
Xuất phát từ khó khăn trên, để duy trì vườn cây thì chính quyền địa phương cần phối hợp với các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, các doanh nghiệp phát triển cao su theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt; Chuyển đổi cơ cấu giống cao su đối với diện tích cao su già cỗi hết chu kỳ khai thác bằng các giống cao su theo cơ cấu giống khuyến cáo của Viện nghiên cứu cao su Việt Nam; lựa chọn cây trồng phù hợp để trồng xen vườn cây cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản để tăng thu nhập; giảm chi phí đầu tư phù hợp đối với vườn cây giai đoạn kinh doanh khi giá thị trường thấp để đảm bảo duy trì sinh trưởng vườn cây. Thực hiện chính sách hỗ trợ người trồng cao su mua bảo hiểm vườn cây; chính sách vay vốn lãi suất thấp trong thời gian kiến thiết cơ bản vườn cây; và tổ chức thực hiện liên kết hợp đồng thu mua sản phẩm theo giá bảo hiểm ngay đầu vụ giữa doanh nghiệp và hộ trồng cao su.
Mỹ Phương