Thứ 5, Ngày 26/12/2024 -

Bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ
Ngày đăng: 19/02/2022  16:15
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 16/02/2022, Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 

Nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum (ảnh minh họa)

 

Theo đó, để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:

 

Quan điểm của Nghị quyết: Xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống là nội dung quan trọng trong tổng thể các nhiệm vụ bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân DTTS tại chỗ, là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Huy động các nguồn lực để đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị nghề truyền thống, tạo sự phát triển đồng bộ và hài hòa giữa kinh tế và văn hóa tại vùng đồng bào thiểu số trên địa bàn tỉnh.

 

Về mục tiêu: Bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống nhằm giữ gìn bền vững bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS tại chỗ, gắn với phát triển các loại hình du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

 

Đến năm 2025: Tiếp tục khôi phục, bảo tồn, lưu giữ bí quyết nghề nghiệp, phát huy giá trị văn hóa đối với 09 nghề truyền thống của tỉnh là: Dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống, rèn, gốm, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc, làm nỏ. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh thương mại hóa đối với 04 nghề: Dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS tại chỗ.

 

Xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu, ký gửi sản phẩm nghề truyền thống, gắn với các điểm tham quan du lịch tại thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông và một số nơi có điều kiện; phát triển một số sản phẩm nghề truyền thống đạt các tiêu chuẩn OCOP và từng bước có thị trường tiêu thụ ổn định; xây dựng từ 01 đến 02 thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống, gắn với hình ảnh văn hóa - du lịch đặc trưng của tỉnh.

 

Hằng năm tổ chức 15-20 lớp dạy nghề cộng đồng tại thôn (làng) với khoảng 200 người học, đảm bảo 07 DTTS tại chỗ đều có lực lượng thành thạo tay nghề và duy trì sản xuất nghề truyền thống, nhất là thanh niên, lao động trẻ trên địa bàn.

 

Đến năm 2030: Thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp từ truyền dạy, phát triển nguồn nguyên liệu đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu ít nhất 05% số người tham gia làm nghề truyền thống có thu nhập ổn định, đảm bảo được đời sống vật chất và tinh thần. Xây dựng hạ tầng, không gian hoạt động nghề truyền thống, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống trong tình hình mới. Xây dựng và phát triển mạnh từ 02 đến 03 thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống của tỉnh.

 

Nghị quyết đề ra 05 nhiệm vụ, giải pháp triển khai: (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ; (2) Khôi phục, bảo tồn, đổi mới phương thức sản xuất và định hướng phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với tình hình mới; (3) Xây dựng cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ; (4) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nghề truyền thống; (5) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực phát triển sản phẩm nghề truyền thống.

 

Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các huyện uỷ, thành ủy phổ biến, quán triệt rộng rãi Nghị quyết này đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong triển khai thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị...

 

Nghị quyết này được phổ biến đến chi bộ.

 

Thái Ninh