Thứ sáu, Ngày 19/04/2024 -

Đánh giá quốc tế về kinh tế Việt Nam tháng 5/2023
Ngày đăng: 10/06/2023  19:56
Mặc định Cỡ chữ
Tổng Giám đốc IMF đánh giá Việt Nam là ngôi sao sáng của kinh tế thế giới, tăng trưởng gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu nhờ thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động. Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao Việt Nam duy trì được ổn định trong bối cảnh thế giới rất bất ổn. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ở khu vực.

 

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, truyền thông Nhật Bản đánh giá cao các thông điệp phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính như cách tiếp cận của Việt Nam trong giải quyết các thách thức toàn cầu, các biện pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu, cam kết giảm phát thái rong về “0” vào năm 2050; đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm với nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế quan trọng đã đạt được, trong đó có các dự án ODA thế hệ mới, mở đường bay trực tiếp Việt Nam – Hiroshima... Báo Nikkei đánh giá cao tiền năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, nhất là chủ trương kiên định ổn định vĩ mô, duy trì mục tiêu tăng trưởng 6,5% nhân dịp Phó Thủ tướng Trần Lưu Cuang dự Hội nghị Tương lai châu Á tại Nhật Bản.

 

Về tăng trưởng kinh tế, Tổng Giám đốc IMF đánh giá Việt Nam là ngôi sao sáng của kinh tế thế giới, tăng trưởng gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu nhờ thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động. Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao Việt Nam duy trì được ổn định trong bối cảnh thế giới rất bất ổn. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ở khu vực, trong đó Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP tăng 6,3%, Ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP tăng 6,5%. Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam có nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á, có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam làm nơi dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đề nghị Việt Nam hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó có các vấn đề về thủ tục hành chính, xuất nhập cảnh.

 

Về sản xuất, S&P Global đánh giá chỉ số PMI của Việt Nam suy giảm trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và điều kiện kinh doanh giảm. Tuy nhiên, S&P Global nhận định tốc độ giảm tổng thể nhẹ, tình trạng nhu cầu yếu kém chỉ là tạm thời, sản xuất sẽ phục hồi trong năm 2024.

 

Về tài chính – ngân hàng, Fitch Ratings nhận định trong ngắn hạn rủi ro về bất động sản gây khó khăn hơn đối với các ngân hàng, song khó khăn thanh khoản đang giảm dần, hệ thống ngân hàng đang được hỗ trợ bởi các biện pháp ứng phó đồng bộ của Chính phủ. Fitch cũng đánh giá cao việc Việt Nam đang nỗ lực phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ nhằm khai thông dòng tín dụng và ngăn chặn tình trạng hạ cánh cúng trong cả lĩnh vực bất động sản và ngân hàng; dự báo tính thanh khoản có thể trở về bình thường trong vài quý tới khi các “cơn gió ngược” của thị trường tiền tệ toàn cầu lắng xuống. Tổ chức này đánh giá các điều kiện tín dụng đang dẫn phục hồi và triển vọng dài hạn của ngành ngân hàng Việt Nam vẫn tích cực.

 

Tổng quan tình hình kinh tế thế giới (KTTG) vẫn tiếp tục khó khăn, các rủi ro chưa suy giảm, tính bất định, bất trắc vẫn cao do diễn biến phức tạp của các yếu tố địa chính trị. Một số nền kinh tế động lực có chiều hướng suy giảm kéo theo sự suy yếu nhu cầu chung của toàn cầu. Với những chỉ số kinh tế mới công bố và việc một số nền kinh tế đã chính thức rơi vào suy thoái, nhiều đánh giá cuốc tế cho rằng khả năng KTTG sẽ chạm đáy trong quý II hoặc đầu quý III/2023. Tuy nhiễn, rủi ro lớn nhất hiện nay là kịch bản KTTG đi vào giai đoạn trì trệ, tăng trưởng thấp có thể xảy ra. Đây là thời điểm then chốt đối với ổn định vĩ mô toàn cầu và phục hồi của KTTG. Nhiều khả năng các nước sẽ có những điều chỉnh chính sách vĩ mô từ này đến cuối năm (dừng tăng lãi suất hoặc đảo chiều nới lỏng chính sách tiền tệ...).

 

Cạnh tranh chiến lược nước lớn vẫn là xu thế chi phối triển vọng tăng trưởng và định hình liên kết kinh tế quốc tế trong thời gian tới, tác động tới tập hợp lực lượng và chính sách phát triển kinh tế của các nước. Một mặt, các nước lớn gia tăng cạnh tranh trong các lĩnh vực then chốt (như công nghệ cao, bán dẫn, khoáng sản thiết yếu), mặt khác xu hướng hợp tác vẫn được duy trì và thúc đẩy. Đáng chú ý, xu hướng thực thi các cam kết tài chính cho phát triển, tài chính khí hậu, tài chính xanh được thể hiện rõ ràng hơn thông qua cam kết của các nước phát triển tại các diễn đàn đa phương thời gian qua. Đây là chiều hướng đáng chú ý, ta cần kịp thời tiếp cận, tranh thủ huy động tối đa các nguồn lực phát triển, thúc đẩy triển khai các dự án cụ thể, thực chất, gắn với yêu cầu phát triển của Việt Nam.

 

Hợp tác giữa các nước trong xây dựng các chuỗi cung ứng ổn định và bền vững cho thấy đang diễn biến nhanh, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các quyết định đầu tư. Thực tể này đòi hỏi ta cần sớm có quyết sách về các chính sách ưu đãi đầu tư mới trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và xu hướng cạnh tranh trong thu hút FDI ở khu vực ngày càng gia tăng.

 

Là nền kinh tế có độ mở lớn và hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam không tránh khỏi các tác động từ môi trường bên ngoài gia tăng bất ổn. Trong bối cảnh khó khăn đó, các kết quả về phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 là tích cực, tạo thêm không gian và dư địa cho điều hành vĩ mô những tháng cuối năm. Kết quả đó có được nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực rất lớn của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, chủ trương kiên định, nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ linh hoạt, chắc chắn, sự quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp, duy trì các động lực tăng trưởng (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng)...

 

Các đối tác quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực tiềm năng tăng trưởng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và vị thế quốc tế của Việt Nam. Đây là điều kiện là điều kiện thuận lợi để ta đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ các định hướng phát triển, tận dụng xu hướng định hình lại các chuỗi cung ứng và chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang diễn ra mạnh mẽ để thu hút đầu tư chất lượng cao, khai thác hiệu quả mạng lưới liên kết kinh tế quốc tế./.

 

                                                                                       Trịnh Minh