Thứ sáu, Ngày 18/10/2024 -

Kết quả đánh giá chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh
Ngày đăng: 12/07/2024  09:35
Mặc định Cỡ chữ
Nhằm giúp các bộ ngành địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, căn cứ Thông tư số 21/TT-BTTTT ngày 31/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về chức năng, tính năng kỹ thuật của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đánh giá chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh năm 2024

 

Kết quả đánh giá chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính bộ, ngành, địa phương được chia thành 05 mức độ:

 

Mức độ A: Từ 90 điểm đến 100 điểm

 

Mức độ B: Từ 80 đến 89 điểm

 

Mức độ C: Từ 65 đến 79 điểm

 

Mức độ D: Từ 50 đến 64 điểm

 

Mức độ E: Dưới 50 điểm

 

Kết quả đánh giá xếp hạng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

 

Điểm trung bình đối với khối bộ, ngành: 43 điểm, trong đó:

 

Mức độ A: 0/21 (0%)

 

Mức độ B: 0/21 (0%)

 

Mức độ C: 05/21 (24%)

 

Mức độ D: 1/21 (5%)

 

Mức độ E: 15/21 (71%)

 

Những điểm đáng chú ý đối với kết quả đánh giá của khối các bộ ngành

 

So với kết quả đánh giá các bộ ngành năm 2023, kết quả đánh giá năm 2024 không có nhiều thay đổi đối với nhóm 5 bộ ngành dẫn đầu: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giao thông vận tải tuy có thay đổi thứ bậc nhưng vẫn thuộc TOP 5 bộ dẫn đầu.

 

Về chức năng và cấu trúc, bố cục: Các bộ ngành đều chưa đạt điểm tối đa cho 02 nhóm tiêu chí chức năng và cấu trúc, bố cục. Một phần nguyên nhân là do Thông tư số 21/2023/TT-BTTTT ngày 31/12/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông mới được ban hành, với nhiều cập nhật và bổ sung cho 02 nhóm yêu cầu trên. Do đó, các bộ ngành cần thêm thời gian để điều chỉnh và nâng cấp hệ thống của mình trong thời gian tới.

 

Về hiệu năng: được phân thành 02 nhóm tiêu chí là hiệu năng tải trang dành cho trải nghiệm người dùng và hiệu năng hệ thống. (i) Về hiệu năng tải trang dành cho trải nghiệm người dùng: Nhìn chung các bộ ngành đều thực hiện tốt tối ưu hiệu năng về tốc độ tải trang, đặc biệt có bộ đạt điểm tuyệt đối. (ii) Về hiệu năng hệ thống: Hiệu năng hệ thống liên quan không chỉ phần mềm mà còn cả hạ tầng của hệ thống, việc đánh giá phải được đơn vị có năng lực thực hiện. Chỉ có 7/21 bộ ngành cung cấp được tài liệu minh chứng về việc kiểm thử hiệu năng hệ thống đạt yêu cầu; số lượng truy cập trang chủ đồng thời, số lượng người hoạt động đồng thời chưa đáp ứng thời gian theo quy định khiến nhiều bộ, ngành bị mất điểm phần này.

 

Về an toàn thông tin: Phần lớn bộ ngành chưa có hoặc chưa cung cấp đầy đủ thông tin yêu cầu để phục vụ việc đánh giá, dẫn đến bị mất nhiều điểm tại nhóm tiêu chí này.

 

Về khả năng truy cập thông tin thuận tiện: Kết quả đánh giá năm 2024 cho thấy chưa có nhiều thay đổi so với năm 2023, 19/21 bộ, ngành đạt điểm, trong đó 01/20 bộ, ngành đạt điểm tối đa (5/5 điểm). Nhóm tiêu chí này yêu cầu ở mức độ cấp A của WCAG 2.0 (Tiêu chuẩn quốc tế) là cấp độ cơ bản và các trang web đều cần tuân thủ. Việc không đáp ứng mức độ A sẽ làm giảm khả năng tiếp cận nội dung của mọi người; chưa đảm bảo các chức năng trên web có thể hoạt động bằng nhiều phương thức khác nhau; chưa đảm bảo nội dung web hiển thị đúng cách, nội dung âm thanh, hình ảnh được mọi người nghe hiểu và khả năng phân biệt giữa các thành phần và các phần tử trên trang.

 

Về tiêu chí đánh giá kết nối với Hệ thống EMC: Cơ bản các bộ, ngành đã thực hiện việc kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (hệ thống EMC).

 

Kết quả đánh giá xếp hạng các địa phương

 

Điểm trung bình đối với khối địa phương: 63 điểm, trong đó:

 

Mức độ A: 0/63 (0 %)

 

Mức độ B: 0/63 (0 %)

 

Mức độ C: 39/63 (62%)

 

Mức độ D: 24/63 (24%)

 

Mức độ E: 9/63 (14%).

 

Những điểm đáng chú ý đối với kết quả đánh giá của khối các địa phương

 

Về chức năng và cấu trúc, bố cục: Chưa có địa phương nào đạt điểm tối đa đối với 02 nhóm tiêu chí về chức năng và cấu trúc, bố cục; tương tự khối bộ ngành, một phần nguyên nhân là do các tỉnh, thành phố cần thêm thời gian điều chỉnh và nâng cấp hệ thống trong thời gian tới để đáp ứng các quy định mới được ban hành. Điểm trung bình của phần chức năng khoảng 33 điểm, cho thấy các địa phương cần phải nâng cấp nhiều trong thời gian tới.

 

Về hiệu năng: được phần thành 02 nhóm tiêu chí là hiệu năng tải trang dành cho trải nghiệm người dùng và hiệu năng hệ thống. (i) Về hiệu năng tải trang dành cho trải nghiệm người dùng: Nhìn chung tiêu chí hiệu năng về tốc độ tải trang tương đối tốt, có 13 địa phương đạt điểm tuyệt đối, điểm trung bình của các địa phương đối với tiêu chí này là 7/10 là kết quả khá tốt. (ii) Về hiệu năng hệ thống: Nhiều địa phương cung cấp tài liệu minh chứng việc đánh giá khá đầy đủ. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là các báo cáo hiệu năng trên đều được thực hiện trong thời gian gần đây để phục vụ việc đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông. Có rất ít đơn vị gửi báo cáo kiểm thử hiệu năng hệ thống là kết quả để nghiệm thu trước khi đưa vào vận hành khai thác. Điều này cho thấy việc kiểm thử và vận hành thử đối với các Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trước khi đưa vào sử dụng chính thức chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định.

 

Về an toàn thông tin: Phần lớn địa phương đã thực hiện và triển khai xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ và phương án đảm bảo an toàn thông tin của hệ thống theo Nghị định số 85/2016/NĐ-CP của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Tuy nhiên, các địa phương vẫn chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu về đảm bảo an toàn thông tin nói trên.

 

Về khả năng truy cập thông tin thuận tiện: Mặc dù các địa phương phần lớn đều có điểm tại nhóm tiêu chí này, tuy nhiên điểm trung bình chưa cao do các địa phương chưa thực sự chú trọng khắc phục nhóm tiêu chí này.

 

Về tiêu chí đánh giá kết nối với Hệ thống EMC: Toàn bộ 63/63 địa phương đã thực hiện việc kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (hệ thống EMC).

 

Thông qua quá trình và kết quả đánh giá Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, có thể rút ra một số nhận xét chính như sau:

 

Điểm số trung bình và xếp loại trong đánh giá năm 2024 giảm đáng kể so với năm 2023.

 

Nguyên nhân do phạm vi đánh giá mở rộng từ 03 nhóm tiêu chí năm 2023 lên 06 nhóm tiêu chí trong năm 2024. Cụ thể, năm 2023 chỉ tập trung vào đánh giá phân hệ Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh còn năm 2024 đã bổ sung đánh giá thêm nhiều nhóm tiêu chí như: phân hệ giải quyết thủ tục hành chính; cấu trúc và bố cục của Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh; việc đảm bảo an toàn thông tin và việc kết nối Hệ thống EMC. Thậm chí, đối với các nhóm tiêu chí đã có, các tiêu chí thành phần cũng được bổ sung và mở rộng chi tiết hơn.

 

Về chức năng: Điểm chức năng các Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh nhìn chung chưa cao (trung bình 30/50 điểm). Trong đó, nhiều chức năng còn thiếu hoặc có nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

 

Một số bộ ngành và địa phương đã nâng cấp hệ thống trong năm 2023, góp phần cải thiện kết quả trong năm 2024. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị các bộ ngành và địa phương cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện các chức năng, tính năng kỹ thuật theo Thông tư số 21/2023/TT-BTTTT ngày 31/12/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, quy định về chức năng và tính năng kỹ thuật của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.

 

Về cấu trúc, bố cục Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh: Quy định đặt ra nhằm tạo sự thống nhất về cấu trúc, bố cục trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên cả nước. Từ đó, người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hơn do giao diện, bố cục đã được thống nhất. Kết quả đánh giá cho thấy nhiều cơ quan, đơn vị đáp ứng quy định, đạt điểm tối đa hoặc gần tối đa về cấu trúc, bố cục. Tuy nhiên, do đặc thù ngành, lĩnh vực nên các cơ quan thuộc khối bộ ngành vẫn đang sử dụng giao diện riêng, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị khối Bộ ngành cần nghiên cứu hiệu chỉnh và thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư 21/2023/TT-BTTTT.

 

Về hiệu năng: Hiện nay, nhiều bộ ngành, địa phương chưa chú trọng đến việc kiểm thử, vận hành thử và đánh giá chất lượng hoạt động, cũng như các yêu cầu phi chức năng, trước khi hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được nghiệm thu và đưa vào vận hành khai thác. Thực trạng này dẫn đến tình trạng nhiều nơi không thể cung cấp tài liệu đánh giá chất lượng hoặc chỉ tiến hành đo đạc, kiểm thử theo các chỉ tiêu chất lượng quy định khi có yêu cầu cụ thể. Để đảm bảo hiệu quả và tính minh bạch, cần có sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào quy trình kiểm thử, vận hành thử và đánh giá chất lượng trước khi triển khai hệ thống, từ đó nâng cao chất lượng và độ tin cậy của các hệ thống thông tin.

 

Về an toàn thông tin: hầu hết các bộ ngành, địa phương vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng đủ các yêu cầu về an toàn thông tin Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh mà bộ tiêu chí 2024 đưa ra. Các cơ quan khi cung cấp tài liệu kiểm chứng vẫn thiếu nhiều nội dung và không đáp ứng.

 

Việc triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung tại cấp bộ đang đối mặt với nhiều thách thức hơn so với cấp tỉnh. Đặc biệt, đối với các bộ ngành lớn có nhiều hệ thống đã hoạt động trong thời gian dài, việc chuyển đổi và hợp nhất trở nên phức tạp và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Các hệ thống cũ thường có sự khác biệt về cấu trúc và tính năng khiến việc tích hợp các hệ thống này không chỉ cần thời gian nâng cấp mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận liên quan để đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong quá trình triển khai.

 

Theo kết quả đánh giá, xếp loại các địa phương, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kon Tum được xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (xếp sau Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An và Lâm Đồng)./.

 

Xem kết quả xếp loại cụ thể tại đây

 

Trịnh Minh