Thứ sáu, Ngày 18/10/2024 -

Hội thảo về chuyển đổi số và định hướng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025
Ngày đăng: 24/07/2024  10:50
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 24/7, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ và UBND thành phố Kon Tum tổ chức Hội thảo khoa học "Chuyển đổi số trong nông nghiệp hướng đến phát triển nông thôn thông minh trong phát triển nông thôn mới tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025".

 

Quang cảnh hội thảo

 

Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Trung Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố và hơn 90 đại biểu cùng tham dự hội thảo.

 

Hội thảo khoa học nhằm triển khai hiệu quả các sáng kiến chuyển đổi số trong nông thôn hướng đến xây dựng nông thôn thông minh dựa trên mô hình về nông thôn mới, nông thôn mới thông minh, nông thôn mới ứng dụng công nghệ số thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại vùng nông thôn, kết nối nông thôn với đô thị. Đồng thời, Hội thảo đưa ra các tiếp cận, xu hướng và mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong thực tiễn nhằm đúc kết rút kinh nghiệm, triển khai trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 

Tại hội thảo các đại biểu đã nghe tham luận về: Thực trạng và định hướng chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tỉnh Kon Tum, làm rõ những thành công, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế và những bài học rút ra trong quá trình chuyển đổi số trong thời gian qua; Khắc phục những khó khăn, vướng mắc, thách thức trong quá trình chuyển đổi số, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục hiệu quả, thiết thực. Đồng thời, chia sẻ về định hướng chuyển đổi số ngành Nông nghiệp nói chung và cho khu vực Tây nguyên nói riêng và nhiệm vụ trong thời gian tới.

 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo

 

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết Chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu mục tiêu về tỷ trọng phát triển kinh tế số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt tối thiểu 10%.

 

Trong năm 2022-2023, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được những kết quả nhất định về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuyển đổi số và xây dựng nông thôn mới như: Ứng dụng nhiều Nền tảng công nghệ thông tin để tích hợp dữ liệu, liên kết cơ sở dữ liệu tác nghiệp của Sở với Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Cục, Tổng cục, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương. Đầu tư thuê dịch vụ công nghệ thông tin để phát triển dữ liệu ngành nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp và kết nối với kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phát triển.

 

Ứng dụng nền tảng công nghệ số để quản lý chất lượng sản phẩm, chuẩn hóa nhãn mác và truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực trên các sàn Thương mại điện tử. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt 48/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 07 xã nông thôn mới nâng cao, 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 20 xã nông thôn mới nâng cao, 10% xã nông thôn mới kiểu mẫu.

 

Để giải quyết những khó khăn và thách thức đối với công tác chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, thông qua Hội thảo khoa học được tổ chức ngày hôm nay, UBND tỉnh đề nghị các quý đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi, đề xuất những giải pháp mới, sáng tạo và phù hợp với điều kiện của tỉnh về chuyển đổi số trong nông nghiệp hướng đến phát triển nông thôn thông minh. Thông qua đó, Liên Hiệp Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh sẽ tổng hợp, đúc kết, tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải pháp tổng thể, có lộ trình về chuyển đổi số nhằm giải quyết các khó khăn và thách thức nêu trên để góp phần đưa chuyển đổi số trong nông nghiệp của tỉnh phát phát triển theo mô hình “Chuyển dịch tăng trưởng dần từ chiều rộng sang chiều sâu và tạo giá trị gia tăng”, giảm áp lực khai thác tài nguyên thiên nhiên và sức lao động./.

 

Lê Hằng