Thứ 5, Ngày 12/09/2024 -
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi số giai đoạn 2021-2024, Thường trực Chính phủ đã xác định phương hướng, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, đó là:
Về quan điểm
Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tiên phong, gương mẫu thúc đẩy chuyển đổi số thuộc phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Yêu cầu phân công công việc "rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả", tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tăng cường phối hợp và kỷ luật, kỷ cương hành chính, tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên.
Tập trung vào 5 trọng tâm: (1) Phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số, tài năng số; (2) Ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số; (3) Phát triển hạ tầng số toàn diện nhưng phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả; (4) Quản lý, điều hành dựa trên số hóa, thông minh; (5) Khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp; nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm thủ tục phiền hà, sách nhiễu, xóa cơ chế “xin - cho” và phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Yêu cầu Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp mạnh dạn "tăng tốc", "bứt phá" trong chuyển đổi số với khí thế tiến công mạnh mẽ, phát huy tinh thần 5 "đẩy mạnh", 5 "bảo đảm" gắn với 5 "không"; tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Tiếp tục thống nhất, nâng cao nhận thức, hành động và tổ chức thực hiện của người đứng đầu các bộ ngành, địa phương trong chuyển đổi số; theo nguyên tắc "lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên".
Triển khai quyết liệt Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về chuyển đổi số.
Về phát triển kinh tế số:
Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn thương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030”, hoàn thành trong tháng 8 năm 2024.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành “Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng”; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt (ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua Internet, trên điện thoại di động …).
Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi luật và văn bản liên quan đến thương mại điện tử; nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển thương mại điện tử nhằm quản lý, phát triển các nền tảng thương mại điện tử trong nước, xuyên biên giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020, bảo đảm áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch thương mại điện tử và các hoạt động livestream, dịch vụ ăn uống...
Về dịch vụ công trực tuyến:
Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tập trung triển khai phấn đấu đến hết năm 2024 đạt 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; đến năm 2025 đạt 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân.
Về hạ tầng số:
Thời gian qua, Chính phủ đã chú trọng đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng (như: đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không...); thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung đầu tư cho phát triển hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, các tuyến cáp quang biển mới tương xứng tầm vóc, tầm quan trọng với quan điểm là "hạ tầng số phải phát triển, đi trước một bước".
Về triển khai Đề án 06:
Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thống nhất nhận thức và đảm bảo nguyên tắc “5 vấn đề - 4 xuyên suốt - 3 giá trị - 2 mục tiêu - 1 quyết tâm” để triển khai Đề án 06/CP, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia một cách xuyên suốt, hiệu quả.
Các bộ, ngành rà soát các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phối hợp với Bộ Công an triển khai phương án sử dụng hạ tầng của Trung tâm dữ liệu quốc gia, bảo đảm tập trung, an ninh, an toàn và kết nối, chia sẻ phục vụ các nhiệm vụ chung của Chính phủ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội.
Các địa phương khẩn trương thực hiện điều chỉnh Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để kết nối với phần mềm cung cấp dịch vụ công liên thông theo Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ.
Bộ Công an: (1) Khẩn trương xây dựng dự án Luật Dữ liệu để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV; (2) Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xác định lộ trình để đưa các tiện ích thiết yếu lên ứng dụng VNeID, nhất là hoàn thành lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, giấy khai sinh, kết hôn... để người dân trên cả nước được sử dụng, thụ hưởng, hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Về phát triển nền tảng số, dữ liệu số, nhân lực số:
Các bộ, ngành, địa phương hàng năm rà soát, đánh giá, tăng cường đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, kỹ năng số, an ninh an toàn thông tin trên nền tảng trực tuyến, cắt giảm chi phí đào tạo truyền thống; đẩy mạnh xây dựng nền tảng số, cơ sở dữ liệu của ngành, địa phương và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".
Về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng:
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ chậm nhất trong tháng 9 năm 2024, triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt chậm nhất trong tháng 12 năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2024 về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; rà soát, nâng cấp, triển khai các giải pháp an toàn thông tin các hệ thống thông tin thuộc trách nhiệm quản lý theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp, thường xuyên đánh giá, hướng dẫn, giám sát, bảo vệ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Về bảo đảm nguồn lực:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, nghiên cứu đầu tư phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm cho phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho chuyển đổi số và Đề án 06 bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi số để thống nhất triển khai trong giai đoạn tới. Thời hạn hoàn thành trước ngày 16 tháng 8 năm 2024./.
Trịnh Minh
Tin tức liên quan