Thứ 3, Ngày 25/06/2024 -

Những kết quả đạt được trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của tỉnh Kon Tum năm 2023
Ngày đăng: 12/06/2024  15:35
Mặc định Cỡ chữ
Thời gian qua, công tác phổ cập giáo dục, xoá mùa chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục, luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh đạt nhiều kết quả tích cực...

Ảnh minh họa

 

Với quan điểm phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, gắn liền với công tác xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội địa phương, trong những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và ngành giáo dục tỉnh đã tích cực trong việc chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp như đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển nhân lực cho các đơn vị trường học, thực hiện đúng, đầy đủ các chế độ chính sách cho học sinh các cấp học, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ cập giáo dục và xóa mù chữ… nhờ đó cơ sở vật chất các trường học từng bước được chuẩn hoá, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia ngày một tăng, trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao đáp ứng kịp thời với yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội.

 

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn. Với việc triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp tích cực, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, tỉnh đã thực hiện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3; 9/10 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2 và 1/10 huyện đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1.

 

Tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100%; 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non; tổng số trẻ khuyết tật trong độ tuổi từ 0-5 tuổi trên địa bàn là 168 trẻ; số trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục là 85/88, đạt tỉ lệ 96,59%. Số trẻ 6 tuổi huy động vào lớp 1 đạt tỷ lệ 99,98%; 94,50% số trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học (năm học 2022 - 2023); số trẻ 11-14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học (tính đến năm học 2022 - 2023) đạt tỉ lệ 97,87%. Số thanh, thiếu niên từ 15-18 tuổi phải phổ cập đạt tỉ lệ 92,61%; số thanh, thiếu niên từ 15-18 tuổi đã tốt nghiệp THCS đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp đạt tỉ lệ 69,66%.

 

Cùng với đó, công tác xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 2. Trong đó nhóm dân số từ 15 đến 25 tuổi, số người mù chữ chiếm tỉ lệ 0,25%; số người mù chữ mức độ 1 chiếm tỉ lệ: 0,22%; số người mù chữ mức độ 2 chiếm tỉ lệ 0,25%. Nhóm dân số từ 15 đến 35 tuổi, tỉ lệ mù chữ chiếm 0,88%, số người mù chữ mức độ 1 chiếm tỉ lệ 0,60%, số người mù chữ mức độ 2 chiếm tỉ lệ 0,88%. Nhóm dân số độ từ 15 đến 60 tuổi, tỉ lệ mù chữ chiếm 43,42%, số người mù chữ mức độ 1 chiếm tỉ  lệ 1,59%, số người mù chữ mức độ 2 chiếm tỉ lệ 3,42%, số lớp huy động xóa mù chữ là 64 lớp với 1.814 học viên.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn huyện cũng gặp không ít tồn tại hạn chế như: một số huyện định mức giáo viên/lớp đối với các nhóm, lớp nói chung và lớp mẫu giáo 5 tuổi còn thiếu so với quy định; học sinh trong độ tuổi tốt nghiệp THCS của các huyện tham gia học tiếp chương trình trung học phổ thông (THPT) (hoặc tương đương) tỷ lệ thấp; nhiều huyện có tỉ lệ thanh thiếu niên độ tuổi 15-18 đã, đang học chương trình GDPT hoặc GDTX cấp THPT hoặc giáo dục nghề nghiệp thấp. Điều này ảnh hưởng lớn đến công tác phân luồng sau tốt nghiệp THCS của địa phương. Bên cạnh đó, các huyện có tỷ lệ người mù chữ (chưa hoàn thành chương trình lớp 3 hoặc chưa hoàn thành chương trình lớp 5) độ tuổi từ 15-60 còn cao, chưa mở lớp XMC; vẫn còn giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

 

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, đồng thời phát huy những kết quả đạt được, củng cố, duy trì chất lượng hiệu quả trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành GDĐT và các nhà trường tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về công tác PCGD, XMC; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tiếp tục củng cố vững chắc, nâng chuẩn PCGD, XMC;

 

Tiếp tục quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng để đáp ứng yêu cầu thực hiện CTGDPT 2018; rà soát, sắp xếp các trường, điểm trường, quy mô lớp học cho phù hợp; bảo đảm thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở vật chất, công tác quản lý, tập trung nâng cao chất lượng; đảm bảo đáp ứng đủ phòng học an toàn, công trình vệ sinh, nguồn nước sạch, bếp ăn,... cho các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo hướng kiên cố hóa theo các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia; thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra công nhận kết quả PCGD, XMC.

 

Minh Huệ